Chân dung ông trùm tơ lụa Khải Silk

Đại gia Khải Silk hay chính là doanh nhân Hoàng Khải, sinh năm 1964 tại Hà Nội. Ông thành lập cửa hàng Khải Silk đầu tiên trên phố Hàng Gai năm 25 tuổi.

leftcenterrightdel
 Ông trùm tơ lụa Khải Silk (ảnh: internet)

Đến năm 1996, Khải Silk đầu tư dự án bất động sản đầu tiên đó là Hội An Riverside Resort và thành công lớn. Cùng với đó là công việc kinh doanh lụa cũng trở nên “hốt bạc” khi rất nhiều cửa hàng cao cấp KhaiSilk xuất hiện ở những khách sạn 5 sao tại Sài Gòn và Hà Nội vào những năm 2000. Không những vậy, Khải Silk phất lên như “diều gặp gió”, ông mở rộng sang lĩnh vực nhà hàng và ẩm thực.

Năm 2000, ông chủ Tập đoàn Khải Silk quyết định Nam tiến khi chuyển hoạt động kinh doanh vào TP.HCM. Tiếp tục đầu tư vào bất động sản, ông Khải sớm nhìn thấy tiềm năng của khu Phú Mỹ Hưng. Bằng vốn tích lũy khi còn ở Hà Nội, ông Hoàng Khải bắt đầu mua đi bán lại hàng chục căn hộ tại khu đô thị này và kiếm bộn tiền khi thị trường bất động sản đạt đỉnh cao giai đoạn 2006-2007.

Và năm 2010 Khải Silk xây dựng trung tâm thương mại SaiGon Paragon với diện tích hơn 25.000m2. Đầu năm 2014 ông lại cho xây dựng biệt thự theo kiến trúc hồi giáo mà ông thường gọi là “Lâu đài” Tajmasagon.

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả khi mới đây Khải Silk còn dự định tiếp tục vẽ nên câu chuyện kinh doanh “độc đáo” của mình với ý tưởng xây dựng những tòa nhà rất “Khải” đó là tòa nhà The Khai 18 tầng mang dáng dấp dải lụa, và The Prince 20 tầng từ ý tưởng những quyển sách chồng lên nhau ngay trên trung tâm tài chính, thương mại Phú Mỹ Hưng, với số vốn đầu tư hàng chục triệu đô la.

Danh tiếng đổ vỡ

Lớn lên trong gia đình buôn bán đồ thêu truyền thống, lại có đầu óc kinh doanh cực kỳ nhạy cảm, Hoàng Khải đã mở cho mình một thương hiệu bất bại về tơ lụa từ những năm 90. Những chuỗi cửa hàng Khaisilk đều được giới thiệu rằng họ đang bán đồ thủ công truyền thống của các làng nghề tơ lụa Việt Nam.

Tuy nhiên ngày 17/10/2017 đã có người phát hiện 1 trong 60 chiếc khăn lụa mà mình mua từ cửa hàng KhaiSilk ở 113 Hàng Gai vừa có mác “Made in Viet Nam” vừa có mác ‘Made in China”.

leftcenterrightdel
 Chiếc khăn vừa có mác thương hiệu Khaisilk vừa có mác Made in China (ảnh: internet)

Ngày 19/10/2017, phía cửa hàng Khaisilk đã có văn bản trả lời cho bên phía khách hàng. Trong văn bản giải thích rằng khăn mang 2 mác là do sự nhầm lẫn của nhân viên kho hàng.

Ngày 23/10/2017 phía bên khách hàng mua phải khăn 2 mác đã chia sẻ vụ việc lên facebook cá nhân kèm cả hình ảnh sản phẩm. Sự việc ngay lập tức nhận được quan tâm của cộng đồng mạng và dư luận.

Ngày 25/10/2017 ông Khải đã thừa nhận việc mình bán khăn lụa có xuất xứ từ Trung Quốc với báo giới.

Có thể nói sau khi ông Hoàng Khải lên tiếng thừa nhận, cộng đồng mạng đã rất bức xúc với vô vàn lời nói tỏ rõ thái độ với Khải Silk, việc gắn mác hàng Việt Nam chất lượng cao lên sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc đã khiến những người từng mua khăn lụa của Khaisilk thất vọng hết mức.

Có thể bị truy tố trước pháp luật

Việc ông Hoàng Khải thừa nhận việc mình bán hàng Trung Quốc dưới mác hàng Việt Nam chất lượng cao đã khiến dư luận phẫn nộ và hoang mang trước chất lượng hàng hóa Việt Nam.

Vụ việc đã trở nên nghiêm trọng hơn khi Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị sở hữu thương hiệu Khaisilk, và sản phẩm không có thành phần lụa như công bố trên nhãn hàng hoá về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm là 100% silk. Với kết quả này, Bộ Công Thương cho biết đã chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Trao đổi với luật sư Bùi Quang Thu, ông cho hay: “Việc che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng, công ty Khaisilk có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 66 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Và trong vụ việc này, Khải silk đã có dấu hiệu phạm tội “Lừa dối khách hàng” theo Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999”

Cụ thể là:

1. Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Và rõ ràng việc Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc dưới mác hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng về chất lượng và uy tín của hàng Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Lỗ hổng bảo vệ người tiêu dùng

Từ vụ việc trên chúng ta có thể thấy được người tiêu dùng Việt hiện nay đang đứng giữa những ma trận, những cạm bẫy tinh vi của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Một thương hiệu lớn và lâu năm như KhaiSilk còn có thể có hành vi như vậy thì những mặt hàng khác sẽ ra sao?

Những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm, mỹ phẩm có lẽ sẽ là nơi hàng giả, hàng nhái tung hoành vì lợi nhuận quá lớn, tiêu thụ quá nhiều. Trước tình hình đó cơ quan chức năng đã có nhiều hướng giải quyết, đã vào cuộc quyết liệt nhưng có vẻ hiệu quả vẫn chưa cao.

Việc các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng về mặt kinh tế mà còn xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt mới chỉ ở mức xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe bởi lợi nhuận thu về quá lớn.

Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn còn e ngại khi cậy nhờ đến các cơ quan bảo vệ pháp luật. Việc thờ ơ trong bảo vệ quyền lợi của chính mình cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Hương My