(BVPL) - Sức mạnh của thông tin đang ảnh hưởng lớn đến đời sống hàng ngày của nhiều người. Chỉ một thông tin được đăng tải ngay lập tức sẽ lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Bên cạnh những thông tin có thật và hữu ích thì cũng có không ít tin đồn thất thiệt khiến cho nhiều người hoang mang, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý người dân. Điều này đòi hỏi phải thận trọng xem xét kỹ thông tin với những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người rồi mới công bố, tránh tác động tiêu cực đến nhà sản xuất kinh doanh và gây hoang mang cho người tiêu dùng.

 


Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng: Người tiêu dùng không chỉ đối mặt với “ma trận” thông tin chất lượng mà còn cả “ma trận” về giá hàng hóa. Thế nhưng việc xử lý với hành vi cung cấp thông tin thiếu khách quan, trung thực của các cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe đối với hành vi này.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ với tiêu dùng: Để bảo vệ người tiêu dùng trước “ma trận” thông tin, chất lượng và giá cả hàng hóa như thời gian vừa qua, ngoài việc các cơ quan chức năng cần phản ứng kịp thời với những thông tin chưa chính xác thì cơ quan truyền thông cũng cần nâng cao vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần chủ động tiếp thu thông tin một cách có chọn lọc.

Cũng theo bà Chi, để người tiêu dùng không quá phụ thuộc vào truyền thông thì cần tạo ra những câu lạc bộ tiêu dùng từ cấp xã, phường để mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm cũng như góp tiếng nói của mình trong việc lựa chọn hàng hóa. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần có kênh tiếp nhận thông tin phản hồi của người tiêu dùng đối với các loại hàng hóa trên thị trường. Kênh tiếp nhận này cũng cần phải có hiệu lực, hiệu quả trong việc xử lý thông tin, có như vậy người tiêu dùng mới được bảo vệ trong “ma trận” thông tin như hiện nay.

Giữa thời buổi thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng luôn mệt mỏi trước rất nhiều thông tin nhiễu loạn về sự an toàn hay gây hại của sản phẩm tiêu dùng. Đôi khi cùng một sản phẩm, nghiên cứu này thì bảo "tốt cho sức khoẻ", bằng chứng kia lại cho rằng có hại. Tuy vậy, dù tốt hay xấu thì người tiêu dùng cũng cần bình tĩnh suy xét, bởi rất có thể họ sẽ vướng phải "thuyết âm mưu" của những chiến dịch tiếp thị gây hoang mang tâm lý người tiêu dùng để phục vụ mục đích cạnh tranh hay phá hoại lẫn nhau..., tất cả chỉ để lôi kéo người dùng mua sản phẩm.
 

PV

.