(BVPL) - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Công bố kết quả khảo sát nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức vào sáng 12/8, tại khách sạn Fortuna, 6B Láng Hạ, Hà Nội.
 
Nhằm có cái nhìn tổng quát đối với kết quả triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) trong thời gian qua, tạo cơ sở cho việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương tiến hành khảo sát ý kiến nhận thức của người tiêu dùng trên một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
 
Hội thảo Công bố kết quả khảo sát nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam
Hội thảo Công bố kết quả khảo sát nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam.
 
Các vấn đề được khảo sát bao gồm: Đánh giá hiểu biết của người tiêu dùng về Luật BVQLNTD; Đánh giá hiểu biết của người tiêu dùng về các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội tham gia BVQLNTD; Nhận diện các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng phân theo nhóm hàng hóa, dịch vụ và hành vi vi phạm; Ứng xử của người tiêu dùng, doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp trong tiêu dùng; Đánh giá về hoạt động của Tổng đài 1800-6838; Đề xuất về phương thức, cách thức nâng cao hiệu quả công tác BVQLNTD.
 
Khảo sát được thực hiện trong tháng 3 và 4 năm 2016 thông qua sự hợp tác với một số Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chuyên gia tại các địa phương. Hình thức khảo sát là phỏng vấn trực tiếp. Đối tượng được khảo sát là người tiêu dùng nói chung ở Việt Nam và được chia làm các nhóm cụ thể theo ngành nghề. Tổng số bản khảo sát  trực tiếp được sử dụng để làm báo cáo là 3.000 bản.
 
Ông Phan Thế Thắng – Phó trưởng Phòng BVQLNTD, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, qua khảo sát, có 75% số người tiêu dùng được hỏi, cho rằng mình đã từng nghe, hoặc biết đến Luật BVQLNTD… Và có đến 71% số người tham gia khảo sát trả lời biết đến các quyền cơ bản của người tiêu dùng. Kết quả này cho thấy người tiêu dùng đã ngày một ý thức hơn về các quyền của mình khi tham gia giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Báo chí (báo giấy, báo điện tử); phát thanh; tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu;… là những phương thức tuyên truyền chiếm tỷ lệ cao nhất mà thông qua đó người tiêu dùng biết đến Luật BVQLNTD.
 
Tuy nhiên, trong vấn đề đánh giá hiểu biết của người tiêu dùng về các cơ quan quản lý nhà nước, ông Thắng cũng cho biết mặc dù có 58,8% số người tham gia khảo sát biết đến cơ quan quản lý Nhà nước về BVQLNTD nhưng con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người chọn đúng bởi bảng câu hỏi đưa ra 4 lựa chọn. Nhiều người dù đã biết đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng khi lựa chọn tên cơ quan chuyên trách thì lại sai. Chính vì vậy, dữ liệu để lựa chọn chính xác tên cơ quan chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được xem xét lại. Ngoài ra, có hơn một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát trả lời đã từng bị xâm phạm đến quyền lợi với tư cách là người tiêu dùng trong khoảng thời gian từ năm 2011-2015.
 
Nhìn chung, kết quả cuộc khảo sát đã đáp ứng cơ bản mục tiêu đặt ra thông qua việc cung cấp những thông tin cụ thể và thiết thực về thực trạng công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian qua. Việc phân tích nguyên nhân và các nhận định, ý kiến của người tiêu dùng tham gia khảo sát sẽ là nguồn tài liệu hữu ích cho các cơ quan quản lý làm cơ sở để hoạch định các chính sách phù hợp, cải thiện hiệu quả công tác BVQLNTD trong thời gian tới.
 
Minh Châu
 
 
.