Cụ thể, ngày hôm nay (25/6), ông Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đã chỉ đạo Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia khẩn trương chủ trì phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu xem xét trách nhiệm của đơn vị để xảy ra tình trạng trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước 

Đồng thời, giao Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan rà soát việc thực hiện quản lý nhà nước đối với việc nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.

Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các Cục Hải quan, Cục Thuế các tỉnh, thành phố rà soát nhằm phát hiện các trường hợp tương tự và đề xuất các biện pháp thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; đồng thời xem xét trách nhiệm của đơn vị để xảy ra tình trạng trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Về phía Bộ Công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã yêu cầu các Cục, Vụ, Viện có liên quan như: Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… tiến hành kiểm tra rà soát công tác quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này. Từ đó có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh...

Có thể nói, vụ việc Asanzo hay trước đó là Khai silk…không phải là vấn đề mới. Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam. Sở dĩ thực trạng này vẫn tái diễn là do hiện nay còn thiếu cơ sở pháp lý.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã từng đề cập thực tế là chúng ta chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Viet Nam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Viet Nam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Cũng theo đại diện Cục này, trước mắt, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.

Minh Nhật