Từ 1/7, giá bán điện bình quân là 1.369 đ/kWh (chưa bao gồm VAT), tức là tăng 65 đ/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.304 đ/kWh). Giá điện cao nhất ở mức 2.192 đ/kWh, tăng 132 đ/kWh so với mức giá hiện hành.
Theo Thông tư số 17 ban hàng ngày 29/6 của Bộ Công thương về giá bán điện mới, giá điện bình quân tăng từ 1.304 đồng/kWh lên 1.369 đồng/kWh (tăng 65 đồng/kWh, khoảng 5%).
Đối với giá điện sinh hoạt bậc thang tăng từ 42-132 đồng/kWh tùy mỗi bậc thang, riêng bậc thang đầu tiên dành cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên ở mức 993 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện cho sản xuất (cấp điện áp dưới 6kV đến 110kV trở lên) tăng thấp nhất 35 đồng/kWh, tăng cao nhất 121 đồng/kWh tùy theo cấp điện áp và tùy giờ cao điểm hay thấp điểm.
Đối với giá than cho sản xuất điện cũng sẽ tăng từ 10%-11,5%, trong đó: Giá than cám 4b có mức giá mới là 750.000 đ/tấn; Giá than cám 5a là 620.000 đ/tấn; Giá than cám 5b là 581.000 đ/tấn; Giá than cám 6a là 521.000 đ/tấn còn Giá than cám 6b là 457.000 đ/tấn.
Ngoài ra, giá khí trung bình cho nhà máy điện Cà Mau là 9,338 USD/triệu BTU được tính trên cơ sở giá dầu HFO là 720,96 USD/tấn. Giá dầu DO là 20.897 đ/lít, giá dầu FO là 18.116 đ/lít (đã bao gồm VAT).
Bộ Công Thương cũng cho biết, việc điều chỉnh giá bán điện từ ngày 01/7 sẽ có tác động nhưng sẽ không lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 kWh đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp không điều chỉnh, giữ nguyên ở mức 993 đ/kWh.
Đơn cử, các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện (993 đ/kWh). Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh/tháng tăng chi 4.200 đ/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 8.600 đ/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 14.050 đ/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.050 đ/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 38.950 đ/tháng.
Ước tính, sau lần điều chỉnh này thì doanh thu bán điện của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm của EVN dự kiến từ 01/7 đến 31/12 là 56,8 tỷ kWh (bao gồm cả sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia), được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước.
Ông Tô Quốc Trụ (giám đốc Trung tâm tư vấn năng lượng, Hiệp hội Năng lượng VN) cho biết: "Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay không thể không cho EVN tăng giá vì họ nói tình hình tài chính khó khăn lắm rồi. Tuy nhiên cùng với tăng giá điện, EVN cần nỗ lực hơn nữa để giảm tổn thất điện năng, bởi Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng vừa trả lời trên website Chính phủ rằng tổn thất điện năng các nước khu vực chỉ khoảng 5%, trong khi của chúng ta vẫn ở khoảng 10%"
Tính cả đợt điều chỉnh lần này, từ 2009 đến nay giá điện đã tăng năm lần. Cụ thể, năm 2009 giá điện tăng 8,92%, giá điện sinh hoạt tăng theo mức giá từ 600-1.790 đồng/kWh (tùy bậc thang). Đến năm 2010 giá điện tăng 6,8%, điện sinh hoạt tăng lên trong khoảng 600-1.890 đồng/kWh Đáng lưu ý, với mức tăng giá 6,8% của năm 2010 (gần với mức tăng giá 5% lần này), Bộ Công thương khi đó tính toán việc tăng giá điện sẽ kéo giảm 0,34% GDP, làm tăng chi phí của người dân 0,19-0,27%.
Năm 2011, từ ngày 1-3 giá điện tăng 15,3%, giá điện sinh hoạt tăng lên từ 993 đồng/kWh - 1.974 đồng/kWh. Ngày 20-12-2011, giá điện tăng lần hai với mức 5%, giá bán điện sinh hoạt tăng từ 993-2.060 đồng/kWh. Đến ngày 1-7, tức hơn bảy tháng, giá điện tăng lần nữa thêm 5%.
Theo VietNam+; Tuổi trẻ