Đây là ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2020, triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của ngành Thuế.
|
|
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, kỉ luật, kỉ cương một số nơi chưa nghiêm, vẫn còn cán bộ vi phạm phải xử lý, kỉ luật. |
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao công tác của ngành Thuế trong năm qua, song, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thuế cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan những hạn chế, tồn tại để tập trung khắc phục, có giải pháp đột phá trong thời gian tới như: Chính sách thuế dần được hoàn thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ví dụ: chính sách thuế VAT đối với phân bón chưa đảm bảo công bằng giữa phân bón nhập khẩu với phân bón sản xuất trong nước; các chính sách phải được hoàn thiện theo hướng vừa đảm bảo nguồn thu, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo công bằng chính sách cho hoạt động sản xuất kinh doanh....như thế mới tạo ra được nguồn thu bền vững.
“Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp, cá biệt có trường hợp chưa giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc đầu tư kinh doanh của Việt Nam và đẩy lên Thủ tướng, Chính phủ xử lý. Kỉ luật, kỉ cương ở một số nơi chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm phải xử lý, kỉ luật.”- Phó Thủ tướng nói và cho rằng, cần áp dụng đúng quy định pháp luật nhưng không cứng nhắc, thấu tình đạt lý, tăng cường, chủ động trách nhiệm trong công tác phối hợp với các bộ, cơ quan, đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để tìm giải pháp xử lý dứt điểm, thấu đáo trong thời gian tới, giảm thiểu khối lượng công việc đẩy lên Thủ tướng, lên Chính phủ.
Ngoài ra, tình trạng nợ thuế, trốn thuế, chây ỳ, chuyển giá vẫn còn diễn ra, làm giảm sự công bằng và tính lành mạnh của môi trường kinh doanh, nhất là các hoạt động kinh doanh công nghệ cao quốc gia. Điều này thể hiện qua việc phát hiện của thanh tra, kiểm tra thuế, số thu qua công tác thanh tra, kiểm tra vẫn rất cao. Tổ chức bộ máy tuy đã tinh gọn nhưng trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ... đã làm thay đổi phương thức quản lý thuế. V vậy, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế, quản lý thuế hiện đại, theo hướng mở rộng không bỏ sót người nộp thuế, thu nhập, tài sản của người nộp thuế.
Cũng theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, có nhiều khó khăn, phức tạp, dịch bệnh COVID-19 chưa thể ngăn chặn... Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục triển khai thực hiện ngay từ đầu năm Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao.
Đồng thời, tích cực triển khải nhiệm vụ chiến lược cải cách thuế, các chính sách miễn giảm thuế để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ảnh hưởng bởi dịch bệnh
“Xây dựng chính sách lấy người nộp thuế là trung tâm và là đối tượng phục vụ. Xây dựng chính sách phải chú trọng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, tránh thất thu, thu sót, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam như: chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ.... Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021.” - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2020, thu ngân sách đạt 1.278.649 tỉ đồng, bằng 101,9% dự toán và vượt 175.849 tỉ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 34.576 tỉ đồng, bằng 98,2% dự toán. Thu nội địa đạt 1.244.073 tỉ đồng, bằng 102% dự toán (vượt 24.973 tỉ đồng), vượt 173.773 tỉ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội.
So với dự toán, có 55/63 địa phương ước hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán, trong đó có một số địa phương vượt trên 10% như: Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thừa Thiến Huế, Lào Cai… Có 41/63 địa phương có tăng trưởng thu.
Về thanh, kiểm tra thuế, tính đến ngày 31/12, toàn ngành Thuế đã thực hiện 83.979 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; kiểm tra được 804.590 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 71.876 tỉ đồng, bằng 114,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng số thuế tăng thu vào ngân sách là 19.867 tỉ đồng, bằng 17,6% so với cùng kỳ; giảm khấu trừ là 2.248 tỉ đồng, giảm lỗ là 49.760 tỉ đồng...
Bên cạnh đó, tổng số tiền nợ thuế mà ngành Thuế quản lý tính đến thời điểm cuối năm 2020 đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu trên tổng thu năm 2020 ở mức 4%.
|