|
|
Rừng phòng hộ tại huyện Cần Giờ, TP HCM có nguy cơ sạt lở bởi tình trạng khai thác cát. |
Trước đó, ngày 2/8/2019 UBND huyện Cần Giờ, TP HCM có văn bản số 3392/UBND về việc “ý kiến triển khai dự án xã hội hóa nạo vét trên địa bàn TP HCM” gửi Sở GTVT thành phố kiến nghị tạm thời không chấp thuận triển khai dự án xã hội hóa nạo vét nhằm đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở đất rừng phòng hộ.
Theo đó, qua rà soát các tuyến sông thuộc các dự án Xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu cắt vuông góc sông Gò Gia về phía thượng lưu (tới lý trình 9,5km) theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước của Công ty TNHH Thành Hồng Phát…
UBND huyện Cần Giờ có ý kiến như sau: Công tác xã hội hóa duy tu, nạo vét các tuyến luồng hàng hải là phù hợp với chủ trương, chính sách và pháp luật Nhà nước. Tuy nhiên, các tuyến luồng thuộc các dự án Xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu cắt vuông góc sông Gò Gia về phía thượng lưu (tới lý trình 9,5km)… có dấu hiệu sạt lở rừng phòng hộ Cần Giờ (xâm thực đất rừng).
|
|
Văn bản kiến nghị tạm thời không chấp thuận triển khai dự án nạo vét xã hội hóa, nhằm đánh giá tình trạng sạt lở rừng phòng hộ của UBND huyện Cần Giờ. |
Nhằm giảm nguy cơ sạt lở rừng phòng hộ Cần Giờ, UBND huyện Cần Giờ kiến nghị Sở GTVT thành phố tham mưu UBND thành phố có ý kiến tạm thời không chấp thuận triển khai dự án xã hội hóa nêu trên trong thời gian đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở (xâm thực) đất rừng phòng hộ trước khi chấp thuận thực hiện dự án nạo vét theo hình thức xã hội hóa (địa điểm Công ty TNHH Thành Hồng Phát xin được triển khai dự án).
Lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong thi công; không ảnh hưởng diện tích đất, rừng, hoạt động sản xuất của người dân trong quá trình thi công.
Ngày 9/9/2019, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản số 3684/UBND-ĐT gửi Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam “về lấy ý kiến triển khai dự án xã hội hóa nạo vét trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đồng ý chủ trương triển khai dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu trú bão trên sông Gò Gia đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu cắt vuông góc sông Gò Gia về phía thượng lưu (tới lý trình 9,5km) theo hình thức tận thu sản phẩm sử dụng để bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước của công ty TNHH Thành Hồng Phát là chủ đầu tư, đã được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương thực hiện trên địa bàn TP HCM; các bước triển khai dự án tiếp theo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
UBND TP HCM cũng yêu cầu một số công ty được cấp phép nạo vét phải hoàn tất các thủ tục theo quy định trước khi triển khai dự án. Trong đó, công ty TNHH Thành Hồng Phát phải xác định rõ quy mô nạo vét, vị trí đổ bùn của dự án và lập lại thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường; đồng thời xin ý kiến về việc chấp thuận vị trí đổ bùn của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định trước khi xem xét cho triển khai dự án.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải thiết lập các mốc quan trắc kiểm tra diễn biến đường bờ phục vụ thi công nạo vét (quan trắc trước khi triển khai thi công và trong quá trình thi công), đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ Hàng hải khu vực, địa phương, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ và các đơn vị liên quan trong quá trình thiết lập mốc quan trắc và giám sát diễn biến đường bờ tại khu vực thi công.
Chủ đầu tư phải có trách nhiệm phối hợp với các sở ngành, chính quyền địa phương để thực hiện việc giám sát cộng đồng, tuyên truyền, thông báo kế hoạch triển khai trước khi thi công dự án theo quy định…
Trước đây, dự án xã hội hóa nạo vét đã được nhiều địa phương chỉ rõ rằng, cơ chế nhà đầu tư đề xuất dự án xã hội hóa, đổi lại được tận thu cát để đảm bảo chi phí và lợi nhuận, không xuất phát từ nhu cầu cần thiết và cấp bách là nạo vét luồng, mà chính là chủ đầu tư đã lợi dụng cơ chế để tiến hành khai thác cát.
Điều này khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi là vì sao ở cấp chính quyền địa phương kiến nghị tạm thời không cấp phép vì nguy cơ sạt lở rừng phòng hộ nhưng các cơ quan khác vẫn chấp thuận chủ trương, cho phép doanh nghiệp triển khai nạo vét? Liệu công ty TNHH Thành Hồng Phát có phải là nhà đầu tư có năng lực? các phương tiện của Công ty TNHH Thành Hồng Phát có áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong thi công để không ảnh hưởng diện tích đất, rừng, hoạt động sản xuất của người dân trong quá trình thi công?