Từ phát hiện ở bột sắn viên dùng trong món trà sữa trân châu, gần đây acid maleic được phát hiện cả ở những thực phẩm quen thuộc với mọi người, mọi giới như mì, nui, xirô, trà hòa tan, đồ uống thể thao...
Điều kỳ lạ là chất cấm nhưng vẫn len lỏi vào đồ ăn thức uống. Một số nước xung quanh đã phát hiện chất độc, thu hồi khỏi thị trường, còn ở VN thì cơ quan chức năng vẫn đang “bủa lưới”.
Chất cấm vẫn bán tràn lan
Từ việc chỉ có trong bột sắn viên (cũng xuất xứ Đài Loan) trong danh sách ban đầu, acid maleic giờ đã xuất hiện ở vô số sản phẩm, từ bột sắn viên nhãn hiệu Black Tapioca Pearl, Tapioca Pearls, Tapioca Starch Ball, Green Tea Tapioca Ball đến các loại mì như Guan Miao, Guan Miao Sliced, mì gạo và rau Long Kow, mì gạo, gạo xúp thịt Long Kow...
Ngày 19-6, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố một danh sách mới gồm 19 sản phẩm chế biến từ nguyên liệu tinh bột xuất xứ Đài Loan (Trung Quốc) bị cơ quan chức trách Singapore yêu cầu thu hồi vì chứa acid maleic có thể gây suy thận, phá hủy thận.
Ông Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng quản lý ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm), cho hay mặc dù không được phép sử dụng nhưng acid maleic đang được dùng như chất tạo chua trong công nghiệp thực phẩm và đồ uống.
Ngoài ra, nhờ đặc tính giúp dậy mùi và vị, tăng cường mùi thơm hoa quả khiến món ăn ngon hơn, hóa chất này đang được sử dụng lén lút trong các sản phẩm thực phẩm như xirô, trà hòa tan, nước cam, đồ uống thể thao, các sản phẩm sản xuất từ tinh bột...
Ông Hùng dẫn thông tin từ Cơ quan nông sản và thú y Singapore cho hay ở hàm lượng cao, chất này có thể phá hủy thận, gây tổn thương thận; ở hàm lượng thấp, không thường xuyên thì acid maleic chưa phải là mối nguy.
Tại VN, Cục An toàn thực phẩm đã lấy bảy mẫu bột sắn viên và 13 mẫu trà sữa trân châu. Tuy chưa phát hiện acid maleic, đồng thời hàm lượng acid benzoic (sử dụng để bảo quản) ở dưới ngưỡng cho phép, nhưng ông Hùng đánh giá việc lấy mẫu cũng giống như “bủa lưới” ở một khúc sông, có thể có cá hoặc chưa, nhưng việc bủa lưới vẫn phải tiếp tục. Các sản phẩm có nguồn gốc tinh bột cùng lô, tên thương mại, ngày sản xuất, hạn dùng... với sản phẩm bị thu hồi tại Singapore cũng lập tức bị thu hồi mà không phải kiểm nghiệm lại.
Khi nào VN giám sát chủ động?
Trà sữa trân châu, mì gạo, xirô... đều là những sản phẩm phổ biến trên thị trường VN. Singapore đã phát hiện sản phẩm độc, trong khi ở VN các mẫu kiểm nghiệm được xác định an toàn, người tiêu dùng lại thêm một nỗi lo: các mẫu kiểm nghiệm đã bao quát thị trường, chất lượng kiểm nghiệm có đúng, có đầy đủ?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) đánh giá: “Thông qua thống kê dịch tễ học, có những trường hợp mắc bệnh liên quan một số loại thực phẩm, từ đó xuất hiện những thực phẩm nghi ngờ, chất nghi ngờ... được lấy để kiểm nghiệm. Mình không có thống kê dịch tễ học này nên không cảnh báo chủ động được”.
Cũng theo PGS Thịnh, trong “rừng” các loại hóa chất, nếu không có thống kê dịch tễ và xác định mối liên quan thì khó xác định hóa chất độc, hóa chất cấm trong thực phẩm vì “cứ đi miên man trong thế giới mênh mông làm sao biết được”. Nên dựa vào tính chất của hóa chất và xác định mối liên quan với thực phẩm có hóa chất ấy để xác định.
Theo ông Thịnh, trước năm 2013 VN cấm sử dụng đường hóa học cyclamate trong thực phẩm, nhưng rồi người ta đã phát hiện cyclamate khi thấy những thực phẩm ngọt nhưng dịu và thanh.
Theo ông Lâm Quốc Hùng, hiện có ba hình thức giám sát an toàn thực phẩm được áp dụng ở VN, gồm giám sát chủ động theo chuyên đề hằng năm, giám sát tăng cường theo mùa vụ với thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm như mùa hè, trung thu, tết và giám sát đột xuất khi có nguy cơ cảnh báo như với trà sữa trân châu, trà chanh vỉa hè ở TP.HCM hay bún nhiễm huỳnh quang thời gian qua.
Tuy nhiên, điều mà người tiêu dùng mong chờ là cảnh báo ngộ độc thực phẩm, thực phẩm bẩn phải sớm hơn, từ giám sát chủ động của cơ quan chức trách trước khi thực phẩm bẩn, ô nhiễm gây hại trên diện rộng, chứ không chỉ do người tiêu dùng và báo chí phát hiện như hiện nay.
Theo LAN ANH
Tuổi trẻ Online