(BVPL) - Trong quá trình kinh doanh thành viên hoặc cổ đông không góp đủ vốn trong thời gian cam kết, đến cuối năm tài chính doanh nghiệp làm ăn có lãi hoặc thua lỗ thì thành viên đó chịu trách nhiệm gì?

 
 
Vấn đề bạn hỏi bao gồm hai nội dung, về việc chậm góp vốn trong công ty TNHH 2 thành viên và công ty cổ phần. Chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
 
Căn cứ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2005:
 
Thứ nhất, về bản chất của việc góp vốn, khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty.
 
Thứ hai, quy trình góp vốn:
 
1. Đối với công ty TNHH 2 thành viên:
 
Theo Luật Doanh nghiệp 2005:
 
Điều 39. Thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp
 
1. Thành viên phải góp vốn đầy đủ và đúng hạn bằng loại tài sản góp vốn như đã cam kết. Trường hợp thành viên thay đổi loại tài sản góp vốn đã cam kết thì phải được sự nhất trí của các thành viên còn lại; công ty thông báo bằng văn bản nội dung thay đổi đó đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày chấp thuận sự thay đổi.
 
Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thông báo bằng văn bản tiến độ góp vốn đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn và phải chịu trách nhiệm cá nhân về các thiệt hại cho công ty và người khác do thông báo chậm trễ hoặc thông báo không chính xác, không trung thực, không đầy đủ.
 
2. Trường hợp có thành viên không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đó đối với công ty; thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.
 
3. Sau thời hạn cam kết lần cuối mà vẫn có thành viên chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được xử lý theo một trong các cách sau đây:
 
a) Một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp;
 
b) Huy động người khác cùng góp vốn vào công ty;
 
c) Các thành viên còn lại góp đủ số vốn chưa góp theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty.
 
Sau khi số vốn còn lại được góp đủ theo quy định tại khoản này, thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty và công ty phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật này.
 
Điều 41. Quyền của thành viên
 
1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có các quyền sau đây:
 
d) Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
 
đ) Được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản;
 
….. 
 
Hướng dẫn về vấn đề này, Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp quy định cụ thể như sau:
 
Điều 18. Thực hiện góp vốn và các quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
 
1. Thành viên phải góp vốn đầy đủ, đúng tiến độ đã cam kết trong Danh sách thành viên. Nếu việc góp vốn được thực hiện nhiều hơn một lần, thời hạn góp vốn lần cuối của mỗi thành viên không vượt quá 36 tháng, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên và mỗi lần góp vốn thành viên được cấp một giấy xác nhận số vốn đã góp của lần góp vốn đó.
 
3. Trong thời hạn chưa góp đủ số vốn theo cam kết, thành viên có số phiếu biểu quyết và được chia lợi tức tương ứng với tỷ lệ số vốn thực góp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.
 
4. Sau thời hạn cam kết góp lần cuối mà vẫn có thành viên chưa góp vốn đã cam kết góp, thành viên chưa góp vốn vào công ty theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty và không có quyền chuyển nhượng quyền góp vốn đó cho người khác; số vốn chưa góp được xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều này.
 
5. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn lần cuối, số vốn chưa góp đủ được xử lý theo thứ tự ưu tiên như sau:
 
a) Các thành viên còn lại nhận góp một phần hoặc toàn bộ số vốn chưa góp theo tỷ lệ số vốn đã góp vào công ty;
 
b) Một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp;
 
c) Huy động thêm người khác góp đủ số vốn chưa góp.
 
….
 
8. Trường hợp số vốn thực góp được thực hiện theo khoản 5 Điều này vẫn thấp hơn so với tổng số vốn cam kết góp, cơ quan đăng ký kinh doanh đăng ký số vốn đã góp là vốn điều lệ của công ty khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên của công ty theo quy định tại khoản 6 Điều này; các thành viên chưa góp đủ vốn theo cam kết phải liên đới chịu trách nhiệm tương đương với số vốn chưa góp về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của công ty phát sinh trước khi đăng ký thay đổi thành viên theo khoản 6 Điều này.
 
2. Đối với công ty cổ phần:
 
Điều 80. Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông
 
1. Thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
 
Điều 84. Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập
 
1. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
 
3. Trường hợp có cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua thì số cổ phần chưa góp đủ đó của cổ đông sáng lập được xử lý theo một trong các cách sau đây:
 
a) Các cổ đông sáng lập còn lại góp đủ số cổ phần đó theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty;
 
b) Một hoặc một số cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó;
 
c) Huy động người khác không phải là cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó; người nhận góp vốn đó đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Trong trường hợp này, cổ đông sáng lập chưa góp cổ phần theo đăng ký đương nhiên không còn là cổ đông của công ty.
 
Khi số cổ phần đăng ký góp của các cổ đông sáng lập chưa được góp đủ thì các cổ đông sáng lập cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa góp đủ đó.
 
Như vậy, trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty cổ phần, nếu có thành viên/cổ đông không góp đủ số vốn đã cam kết nhưng vẫn trong thời hạn cam kết thì số cổ tức và lợi nhuận tương ứng với phần vốn đã góp và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Nếu không góp đủ số vốn đã cam kết và đã hết thời hạn thì số vốn chưa góp sẽ được xử lý theo một trong 3 cách được nêu tại khoản 3 Điều 39, khoản 3 Điều 84 Luật Doanh nghiệp nêu trên. Trong trường hợp số vốn do thành viên/cổ đông đã cam kết góp, hết thời hạn và đã được xử lý theo các cách trên nhưng vẫn chưa đủ thì thành viên chưa góp đủ vốn theo cam kết sẽ phải chịu trách nhiệm tương đương với số vốn chưa góp về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của công ty phát sinh trước khi đăng ký thay đổi thành viên.
 
Các văn bản liên quan:
Nghị định 102/2010/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp
Luật 60/2005/QH11 Doanh nghiệp
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý - Cục Trợ giúp pháp lý
 
Câu hỏi gửi bởi: Đỗ Thu Hà 
Trả lời (Có tính chất tham khảo)
Nguồn: www.moj.gov.vn