Theo phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025”, đến tháng 6/2016 thành phố sẽ chính thức đóng cửa toàn bộ cơ sở giết mổ thủ công trên địa bàn.

 


Việc đề ra phương án quy hoạch nói trên có những thuận lợi là đã có chỉ đạo của Chính phủ về chấn chỉnh và kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ, vận chuyển và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm cũng như khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên thực tế, thời gian qua, chính quyền thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ theo chương trình kích cầu, hỗ trợ các chủ đầu tư khi xây dựng nhà máy của thành phố. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, như: Các dự án cơ sở giết mổ công nghiệp vẫn còn đang triển khai, chưa hoàn thiện để đi vào hoạt động nên đến nay các điểm giết mổ thủ công vẫn tiếp tục hoạt động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chẳng hạn lò mổ Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông ở huyện Củ Chi… (báo chí đã tốn nhiều giấy mực phản ánh. Tuy nhiên, cho đến nay chính quyền huyện vẫn chưa có kết luận chính thức là khi nào các lò mổ này sẽ bị đóng cửa).

 

Vì sao chưa xử lý?

 

Theo phương án quy hoạch, nhằm tập trung đầu tư cơ sở giết mổ trong những năm tới, để đến năm 2017, đưa vào hoạt động 6 lò mổ công nghiệp trên địa bàn toàn thành phố. Trong đó, huyện Hóc Môn có 2 cơ sở giết mổ, gồm nhà máy giết mổ công nghiệp tại xã Xuân Thới Thượng (do Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Hóc Môn làm chủ đầu tư với công suất giết mổ 2.000 con/ngày) và nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp, xã Tân Hiệp (do hợp tác xã Tân Hiệp làm chủ đầu tư với công suất 2.000 con/ngày). Huyện Củ Chi có 4 lò mổ, gồm nhà máy giết mổ Tân Thạnh Tây (do Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư, công suất 2.000 con/ngày), nhà máy giết mổ gia súc tại ấp Chợ, xã Tân Phú Trung (do Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ làm chủ đầu tư, công suất 3.000 con/ngày), nhà máy giết mổ tại đường Võ Văn Bích, ấp 8, xã Bình Mỹ (do Công ty TNHH Lộc An làm chủ đầu tư với công suất 2.000 con/ngày), nhà máy giết mổ công nghiệp tại xã Phước Thạnh (do Công ty cổ phần Nhị Tân làm chủ đầu tư, công suất 1.000 con/ngày). Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản cũng sẽ đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ heo tại cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan thuộc xã Lương Bình, huyện Bến Lức, Long An, công suất 2.500-4.000 con/ngày.

 

Để thực hiện nghiêm túc quy hoạch của UBND thành phố mới ban hành và quy trình giết mổ gia súc, gia cầm là tất cả những nhà máy và cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong nội thành sẽ chuyển về giết mổ tại trung tâm giết mổ quận Bình Tân, công suất 1.500 con/ngày và nhà máy của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản, công suất 1.000 con/ngày…

 

Trong thời gian qua, dư luận đã tỏ ra đồng tình và phấn khởi khi cơ quan chức năng huyện Hóc Môn quyết liệt xử lý dứt điểm lò mổ Xuân Thới Sơn. Song ngược lại, rất bức xúc khi sau nhiều lần lấy mẫu và kiểm nghiệm tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện Củ Chi (kết quả đều vượt quá mức cho phép), nhưng Phòng Tài nguyên - Môi trường nơi đây vẫn không có bất kỳ một động thái xử lý nào.

 

Chưa hết, cho đến nay những lò mổ “tai tiếng” như Tân Phú Trung, Hòa Phú, Tân Thạnh Đông vẫn tồn tại một cách ngang nhiên mà không gặp phải sự kiểm tra, giám sát cũng như chế tài nào từ cơ quan chức năng? Điều này, đã khiến dư luận đặt ra nghi vấn: Liệu có tiêu cực trong việc chậm trễ xử lý vi phạm của UBND huyện Củ Chi trong thời gian qua???

 

Theo NTD

.