(BVPL) - Tại TP.HCM, hiện các chợ đầu mối bán sỉ An Đông, Bình Tây, Soái Kình Lâm, Kim Biên và Tân Bình đang vào mùa bỏ hàng cho các điểm bán lẻ. Điểm khác biệt so với các năm trước, là các chủ kinh doanh vừa tung hàng, lại vừa thu hồi công nợ gối đầu suốt 11 tháng qua.
Thực tế trên trái ngược với thói quen mua bán bao đời nay ở chợ: sẵn sàng cho gối đầu mua hàng và đến những ngày giáp tết âm lịch mới thu nợ.
Thu hồi công nợ sớm
Hơn tuần qua, bà Nguyễn Thị Đan, chủ sạp vải chợ Tân Bình đã cử hai nhân viên ra khu vực miền Trung để chào mẫu mới, đồng thời thu tiền của các mối mua hàng ở Đà Nẵng, Quy Nhơn và Quảng Ngãi. Bà dặn rõ: “Chỉ ghi toa (biên nhận số lượng và loại hàng) mới khi nào họ trả xong tiền cũ, còn nếu khách chưa đủ tiền trả thì có bao nhiêu thu bấy nhiêu và chuyển khoản về liền trong ngày”. Bà Đan cho biết, khi thông báo cho các mối sẽ thu nợ vào cuối tháng này, mối nào cũng phản ứng, nhưng nếu không thu nợ cũ thì bà thiếu vốn xoay trở. Tổng số tiền bà Đan đang cho gối đầu lên đến gần 3 tỉ đồng. Bà nói: “Buôn bán khó khăn, lãi bán hàng trước đây luôn ở mức trên 20%, còn hiện nay chỉ khoảng 5 – 10%. Nếu bán chậm phải đi vay vốn thì xem như mất lãi”.
Bà Đan vẫn giữ thói quen bán hàng trả chậm hàng chục năm qua, nhưng hiện nay chính các thương nhân cung cấp vải nội và ngoại nhập cho bà cũng đòi hỏi “tiền trao, cháo múc”, không chấp nhận cho trả chậm sau 10 – 30 ngày như hai năm trước, cộng với áp lực lãi vay ở chợ (3 – 5%/tháng) buộc bà phải thay đổi cách mua bán.
Tại chợ An Đông, người mua bán lẻ giày dép đi lấy hàng về bán dịp Noel trong những ngày qua đều gặp phải tình trạng các chủ sạp bán sỉ yêu cầu thanh toán hết các “toa” cũ mới chịu giao hàng mới. Bà Tư Thắng, chủ bốn sạp bán sỉ giày dép da nam – nữ ở tầng 1 chợ An Đông nói: “Tôi biết hiện nay thị trường ế ẩm, có khách mua là mừng, nhưng nếu không thu hồi được nợ cũ thì bán nhiều cũng như không. Thà bán ít, nhưng bán đến đâu cầm tiền vào đến đó, không thì bị mất vốn”. Với một số khách quen khu vực nội thành không có đủ tiền trả nợ cũ, bà sẵn sàng cung ứng hàng lẻ, tức chủ shop chỉ mua một vài đôi về bày mẫu. Khi có khách mua chỉ cần điện thoại, bà cho nhân viên mang đến tận nơi và vẫn lấy đúng giá sỉ.
Tương tự, theo bà Kim Phượng, chủ sạp vải chợ Soái Kình Lâm thì hầu hết các chủ sạp đang bắt đầu thu hồi nợ gối đầu. Bỏ hơn 4 tỉ đồng làm vốn lưu động, nhưng số tiền để bà Phượng lấy hàng bán cuối năm chỉ còn chưa đến 1 tỉ đồng. Bà Phượng kể: “Trước đây cứ sau rằm tháng 12 âm lịch là thanh toán dứt điểm, nhưng năm ngoái nhiều khách mua hàng không có tiền năn nỉ cho nợ sang năm, rồi đầu năm châm thêm hàng mới, nợ chồng nợ. Rút cuộc tui bị chôn vốn, nên cả ba chị em tôi năm nay chọn cách thu nợ sớm, lấy dần dần để hết năm là xong”.
Thiếu vốn, thiếu cả niềm tin
Trước nhu cầu lấy hàng vào bán dịp cuối năm, nhiều tiểu thương đang lâm vào tình trạng thiếu vốn, thiếu cả niềm tin giữa bạn hàng với nhau. Thương nhân Trần Thị Ánh, chuyên mua quần áo, hàng phụ kiện thời trang, đồ dùng gia đình từ các nước trong khu vực bỏ mối cho các chợ, cửa hàng cho biết: “Căn nhà, xe hơi, miếng đất ở Bình Dương… tôi đã cắm hết vào ngân hàng để lấy hơn 3 tỉ đổ vào kho hàng”. Hiện hàng đã về TP.HCM, bà đang có nhu cầu bán càng nhanh, càng nhiều càng tốt, nhưng dứt khoát không bán trả chậm, không bán ký gửi. “Tôi phải đi vay mới có tiền mua hàng, bán trả chậm thì mất lãi đã đành, mà sợ hơn cả là mất vốn, mất cả bạn hàng…”, bà nói.
Tình trạng kinh doanh khó khăn, sạp chợ lẻ, chủ shop, đầu mối mua hàng buôn bán lâu năm ở tỉnh bỗng dưng nghỉ kinh doanh, tắt điện thoại hoặc chuyển địa chỉ… diễn ra thường xuyên từ đầu năm đến nay càng làm cho các chủ sạp bán sỉ lo lắng. Bà Tư Thắng cho biết: “Có mối hàng vẫn duy trì kinh doanh, nhưng lại sang tên sạp hoặc đổi tên doanh nghiệp, khó thu hồi nợ cũ. Một số mối nợ chủ này, chưa có tiền trả, ngại ngùng, nên lại chuyển sang chủ khác để mua hàng mới bán”.
Chữ tín trong kinh doanh từng là nền tảng vững chắc cho việc mua bán gối đầu dường như đã lung lay. Những chủ sạp mua bán lâu năm với nhau cũng giảm việc tin tưởng nhau. Bà Đan chia sẻ: “Có thể họ không chủ ý giựt tiền mình, bởi làm ăn với nhau hàng chục năm, nhưng kinh doanh gặp sự cố, không có tiền trả thì… người chịu thiệt vẫn là mình. Nên chọn cách mất lòng trước để được lòng sau”.
(Theo SGTT)