(BVPL) - Thương hiệu không chỉ đơn thuần là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác mà là tài sản rất có giá, là uy tín của doanh nghiệp và thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Xây dựng một thương hiệu hoàn toàn không chỉ là đặt một cái tên, đăng ký cái tên đó mà là tổng hợp các hoạt động để doanh nghiệp tạo ra được một “hình ảnh rõ ràng và khác biệt” cho riêng mình.

 


Rõ ràng, thương hiệu được coi là một tài sản vô hình, rất có giá của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài diễn ra gay gắt thì việc các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh việc xây dựng chiến lược sản phẩm, phát triển thương hiệu từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình là điều cần thiết.

Đã có thời gian, các sản phẩm của Việt Nam như: nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Buôn Ma Thuột bị các công ty nước ngoài đăng ký mất thương hiệu. Doanh nghiệp Việt rất khó khăn mới tìm lại được và trong suốt quãng thời gian dài đó tới nay, công tác xây dựng thương hiệu vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn tới hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Lợi nhuận thu về từ xuất khẩu thấp, các sản phẩm của Việt Nam chưa có giá trị gia tăng cao và chưa giành được vị trí vững chắc trên thị trường thế giới.

Theo Cục Sở hữu công nghiệp, số lượng nhãn hiệu hàng hóa mới được các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ tại Việt Nam đã tăng nhiều trong thời gian gần đây, với gần 10.000 nhãn. Tổng số các nhãn hiệu của hàng hóa Việt Nam được bảo hộ trong nước hiện nay khoảng 20.000 trong tổng số gần 100.000 nhãn hiệu (kể cả các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài) đã được bảo hộ. Ngoài ra, để bảo vệ thương hiệu tại các thị trường ngoài nước, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã trực tiếp tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với các cơ quan Sở hữu trí tuệ nước ngoài. “Một trong những vũ khí cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tôi cho rất hiệu quả đó là thương hiệu. Tôi cũng xin khẳng định rằng, tốc độ tạo ra và đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng tăng trung bình 10 – 15%, khoảng 35.000 đơn đăng ký nhãn hiệu trong 1 năm ở Việt Nam. Đây là một thành quả rất lớn, nhưng so với đầu tư và phát triển thương hiệu vẫn chưa đầy đủ và chưa đáp ứng; nhiều lúc chúng ta chỉ biết tạo ra chứ chưa biết nuôi sống nó và phát triển nó một cách thật tốt”, Tiến sĩ Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, chia sẻ.

Cùng với đó, việc triển khai xây dựng vùng nguyên liệu theo quy hoạch vẫn còn hạn chế do khó khăn về nguồn lực đầu tư hạ tầng, giống, mạng lưới bao tiêu. Công nghiệp chế biến sâu vẫn chưa phổ biến, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn về tài chính nên ít có khả năng đầu tư trang thiết bị đồng bộ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo tiến trình giảm thuế mà nước ta cam kết thực hiện khi tham gia Hiệp định thương mại tự do nếu không tận dụng tốt các doanh nghiệp nước ta không chỉ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường nước ngoài mà ngay thị trường nội địa cũng khó có thể giữ vững. Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho rằng: Các doanh nghiệp nước ta cần thay đổi tư duy về thương hiệu, từ đó tiến tới thay đổi cấu trúc, nâng cao giá trị hàng hóa “Khi các hiệp định thương mại tự do hay các thị trường của đối tác cũng mở mà chúng ta không tận dụng được, không tự khẳng định được mình trên thị trường mà trong đó có vai trò rất quan trọng của việc xây dựng thương hiệu thì lúc đó sức ép đối với chúng ta là rất lớn”.   
 

Khoa Nguyên

.