“Hô biến” mỹ phẩm thành thuốc điều trị

Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện rầm rộ những quảng cáo về sản phẩm chăm sóc da mụn của thương hiệu mỹ phẩm Meea Organic khiến người tiêu dùng nhầm tưởng đây là các sản phẩm thuốc chữa bệnh. 

Cụ thể, tại website https://meeaorganic.com/ đang bán sản phẩm Cao mụn Sâm Đỏ 36 vị Meea Organic loại lơn 15g với giá từ 209.000 đồng đến 290.000 đồng. Nội dung quảng cáo trên website Meea Organic nhấn mạnh bộ sản phẩm “trị mụn”, “điều trị”, “đặc trị mụn”… “điều trị dứt điểm tất cả các loại mụn như: Mụn trứng cá, mụn đầu đen, mụn bọc, mụn ẩn, mụn viêm đỏ…”, “đặc trị các loại mụn lâu năm, mụn hay bị tái đi tái lại, mụn do nội tiết, mụn dậy thì”. 

leftcenterrightdel
 Những sản phẩm của Công ty Cổ phần TMDV Kiệt Anh Khang quảng cáo khi chưa được cấp phép.

Cũng tại địa chỉ website trên, sản phẩm Cốt Huyết Thanh Thảo Dược 36 vị mini 5ml Meea Organic đang được bán với giá 180.000 đồng quảng cáo với những lời có cánh như: “Cốt Huyết Thanh - Siêu phẩm trị mụn cả Nam và Nữ đều nên xài”; Serum Cốt Huyết Thanh Thảo Dược 36 vị 10ml Meea Organic “Cốt Huyết Thanh - phương pháp treament Đông y đặc trị mụn, nám, sạm, giải quyết các khuyết điểm trên da mà không bị bong tróc, sưng đỏ”… 

Điều này, khiến người tiêu dùng hiểu lầm các sản phẩm được chào bán ở địa chỉ website trên là thuốc chữa bệnh.

Tương tự, tại website https://hungthinhmart.com/ cũng quảng cáo: “Cốt huyết thanh 36 vị thảo dược là sản phẩm thuộc nhãn hiệu 36 vị - Meea Organic chuyên chăm sóc, phục hồi và tái tạo da chuyên sâu, tái tạo làn da bị tổn thương, trị mẩn đỏ da, thu nhỏ lỗ chân lông, trị thâm mụn hiệu quả mà không gây bong tróc hay sưng tấy da”.

leftcenterrightdel
 Sản phẩm Cốt huyết thanh 36 vị thảo dược (thương hiệu Meea Organic) được quảng cáo như thuốc chữa bệnh.

Ngoài ra, trên các fanpage bán các sản phẩm của thương hiệu Meea Organic như: Cao mụn Sâm Đỏ 36 Vị - Meea Organic; Cao mụn Sâm Đỏ - 36 V.i; Cao mụn Sâm Đỏ… cũng có rất nhiều bài viết, lời quảng cáo có cánh về bộ sản phẩm mang thương hiệu Meea Organic này. 

Đặc biệt, trên trang Facebook có tên Trần Phạm Mai Anh với hơn 100.000 người theo dõi được cho là CEO của thương hiệu “Meea Organic” cũng thường xuyên đăng tải các bài viết có sử dụng các từ ngữ như: “Siêu phẩm trị mụn”, “Comboo trị mụn”, “Cao trị mụn”… để quảng bá cho những sản phẩm của mình.

Chủ doanh nghiệp né tránh cơ quan chức năng?

Liên quan đến những sản phẩm mỹ phẩm thương hiệu Meea Organic đang chạy quảng cáo và lưu hành rầm rộ trên thị trường, ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai khẳng định: Sở Y tế không cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm đối với 3 sản phẩm: Sữa rửa mặt nhân sâm, Serum huyết thanh 10ml và Cao mụn sâm đỏ 36 vị 15mg của Công ty Cổ phần TMDV Kiệt Anh Khang (địa chỉ tại Lô A3, đường Nguyễn Huệ, KP3, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).

Ông Trung cũng cho biết, Sở Y tế Đồng Nai nhiều lần tiến hành kiểm tra tại địa chỉ lô A3, đường Nguyễn Huệ, KP3 (thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), nhưng căn nhà đóng cửa, không có người ở, không có dấu hiệu hoạt động.

"Liên quan đến vấn đề quảng cáo sử dụng từ ngữ như "trị", "điều trị", "đặc trị", “làm lành”, “ngăn ngừa” là hành vi vi phạm, đây cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012", đại diện Sở Y tế Đồng Nai cho biết.

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng có mời chủ doanh nghiệp lên làm việc nhưng đơn vị không hợp tác, không phản hồi.

leftcenterrightdel
 Tài khoản ngân hàng VCB có tên Tran Pham Mai Anh thường xuyên nhận nhiều tỉ đồng tiền mua sản phẩm.

Theo Luật sư Đặng Văn Dũng - Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, trường hợp sử dụng các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” khi quảng cáo mỹ phẩm có thể coi là hành vi có dấu hiệu của tội “Quảng cáo gian dối” được quy định tại Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về xử phạt hành chính: đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối với mức phạt như sau:

Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm./.

Phong Nha