Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã có văn bản báo cáo thông tin vụ việc sản xuất giá đỗ gửi đến Bộ NN&PTNT, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.

leftcenterrightdel
 Một trong các cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm bị công an phát hiện, triệt phá.

Sở NN&PTNT, ngày 27/5, theo đề nghị của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk về việc đề nghị cung cấp thông tin về chất sử dụng trong sản xuất giá đỗ, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã cung cấp thông tin về chất “6-Benzylaminopurine” là hóa chất nằm ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, theo quy định tại Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2023 của Bộ NN&PTNT.

Tiếp đó, ngày 15/12, theo đề nghị của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã cử 2 công chức có chứng nhận lấy mẫu thực phẩm cùng Đoàn kiểm tra của Công an kinh tế lấy mẫu tại 6 cơ sở làm giá đỗ, với tổng số 35 mẫu giá đỗ, 6 mẫu hóa chất và 6 mẫu nước ngâm đã pha nước.

Quá trình điều tra, xác định đây là hành vi cố tình sử dụng chất cấm trong sản xuất giá đỗ gây mất an toàn thực phẩm nghiêm trọng, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 đối tượng là chủ 6 cơ sở làm giá đỗ nêu trên. 

Qua rà soát, trong 6 cơ sở làm giá đỗ thuộc 3 hộ kinh doanh và 1 doanh nghiệp. Trong đó, có 1 cơ sở của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hoạt động "sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh" ngày 22/4/2024.

leftcenterrightdel
 Cơ quan Công an thu giữ nhiều tang vật để điều tra.

Còn lại, 5/6 cơ sở làm giá đỗ nói trên thuộc đối tượng cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý thực hiện theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ NN&PTNT. 

Trong năm, các cơ quan quản lý của tỉnh, của huyện đã tiến hành nhiều hoạt động thanh kiểm tra, lấy mẫu giám sát đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, cả 6/6 cơ sở làm giá đỗ nêu trên chưa được kiểm tra qua các đợt đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất.

Đối với cơ sở của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo là cơ sở xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm lần đầu, để được đánh giá các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động sơ chế, đóng gói nên không có lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm. Do xếp vào loại B nên việc thẩm định lại phải đủ 12 tháng, vì vậy đến nay chưa đến thời hạn đánh giá lại. 

Sau khi có thông tin về quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam 4 bị can của 6 cơ sở dùng hoạt chất "6- Benzylaminopurine" để ngâm ủ giá đỗ, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp để tổ chức làm việc tại các cơ sở làm giá đỗ và hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh. 

leftcenterrightdel
Cơ sở làm giá đỗ tại Đắk Lắk.

Cũng theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện tại, Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (cơ sở Lâm đạo) không còn cung cấp giá đỗ cho cửa hàng Bách hóa Xanh.

Đối với yêu cầu truy xuất triệu hồi, ngay tại thời điểm Công an kiểm tra (15/12) đã tiến hành tịch thu toàn bộ sản phẩm giá đỗ có chứa chất “6-Benzylaminopurine” và các can chứa đựng hóa chất tại 6 cơ sở làm giá đỗ làm tang vật vụ án. Đồng thời, các cửa hàng của hệ thống Bách hóa Xanh cũng đã thu hồi tiêu hủy 343kg và đã ngưng mua hàng từ đơn vị cung cấp giá đỗ là cơ sở Lâm Đạo. Do đó, không còn sản phẩm để thu hồi.

Sau khi xảy ra vụ việc, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra truy xuất, xử lý vi phạm khi có đề nghị phối hợp trong phạm vi, chức năng quản lý. Đồng thời, ban hành văn bản việc tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đỗ gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan thuộc Sở để thông tin và đề nghị tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đỗ. 

Qua vụ việc nêu trên, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk nhận thấy, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm vẫn còn có nhiều tồn tại và vướng mắc và bất cập.

leftcenterrightdel
 Một cơ sở Bách hóa Xanh tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Do đó, Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trường nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm 2010 (ban hành đã lâu và còn nhiều bất cập so với hiện tại), sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư cho đồng bộ, theo hướng: Toàn bộ thực phẩm được sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ ra thị trường đều phải được thực hiện bởi những chủ thể, tuân thủ theo điều kiện, quy trình chặt chẽ theo quy định, đảm bảo có đăng ký, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc.

Xác định đầy đủ, rõ ràng vai trò, chức năng, trách nhiệm, nội dung, thẩm quyền và sự phối hợp của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp trong quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sở cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu việc sử dụng tiêu đề “Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm“ để làm rõ ràng hơn, giảm thiểu sự hiểu nhầm của người dân hoặc cơ quan báo chí trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, có các chính sách để hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học để có các giải pháp thay thế các hóa chất độc hại trong chế biến thực phẩm để đảm bảo cho sản phẩm an toàn. Đầu tư các trung tâm kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm ở các khu vực, vùng để kịp thời phân tích kiểm nghiệm mẫu, sớm phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.../.

Nguyễn Chính