Đầu năm 2016, Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) chính thức có hiệu lực, hứa hẹn thúc đẩy giao lưu mạnh mẽ về kinh tế, tạo ra nhiều việc làm hơn cho lao động các nước Asean. AEC không chỉ mang tới cơ hội mà còn đi kèm với những thách thức đối với lao động nước ta.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, có nhiều người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, trình độ tay nghề của lao động là điều rất đáng lưu tâm khi AEC chính thức có hiệu lực.
Lao động hưởng lợi gì?
Cộng đồng kinh tế Asean có 10 quốc gia với trên 600 triệu dân, trong đó lực lượng lao động khoảng 300 triệu người sẽ được tự do đi lại làm việc ở các nước của nhau. Đi đôi với thúc đẩy kinh tế, AEC còn hứa hẹn làm tăng cơ hội việc làm cho Việt Nam khoảng trên 14% vào năm 2025. Người lao động Việt Nam sẽ có cơ hội thử tay nghề ở những thị trường được trả lương cao hơn, môi trường làm việc cạnh tranh hơn chứ không chỉ bó hẹp ở trong nước.
Ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng dạy nghề (Sở Lao động - thương binh và xã hội), cho biết khi AEC chính thức có hiệu lực sẽ có lao động ở 8 ngành nghề trong các nước Asean được tự do di chuyển làm việc thông qua các thỏa ước công nhận tay nghề đã thống nhất giữa các nước AEC. 8 ngành nghề này, gồm: nha sĩ, bác sĩ, y tá, kỹ sư, kế toán, kiến trúc sư, nhân viên du lịch và vận chuyển. AEC còn cho phép các chuyên gia có trình độ cao được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm chuyên môn sâu, thành thạo về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh được di chuyển tự do hơn.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang chờ đợi những cơ hội thuận lợi mà AEC mang tới, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao từ nội khối AEC được tự do di chuyển. Theo đại diện Công ty On Semiconductor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), AEC sẽ không chỉ tạo động lực cho công ty mở rộng sản xuất, xuất khẩu mà còn là cơ hội để công ty được tiếp nhận những lao động chất lượng cao từ các nước trong khu vực một cách dễ dàng hơn, thay vì chỉ có một sự lựa chọn lao động trong nước như trước đây. Ông Đặng Bảo Chánh, Trưởng nhóm tuyển dụng Công ty On Semiconductor Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động Việt Nam nếu như họ có tay nghề cao, cạnh tranh được với lao động đến từ các nước khác”.
Còn TS. Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành), thì chia sẻ: “Ban giám hiệu nhà trường rất hồ hởi với AEC sắp có hiệu lực, vì chúng tôi đã mong chờ điều này từ rất lâu rồi. Với trình độ đào tạo nhiều ngành nghề kỹ thuật đã đạt trình độ của quốc tế, chúng tôi hoàn toàn tự tin sinh viên của trường có thể làm việc ở những doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao ngay tại Việt Nam, thậm chí ở những quốc gia có trình độ phát triển cao trong và ngoài khu vực Asean”.
Cuộc cạnh tranh quyết liệt
Mới đây, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề: “Tổng quan về Asean - từ hiệp hội tới cộng đồng” tại một số trường đại học, cao đẳng với sự tham gia thuyết trình của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu. Điều đáng ngạc nhiên khi các chuyên gia đặt câu hỏi nhận thức về AEC thì nhiều sinh viên lại tỏ ra khá bỡ ngỡ, thiếu thông tin, ngay cả với những sinh viên sắp tốt nghiệp. Điều đó cho thấy việc truyền đạt các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho sinh viên ở các cơ sở đào tạo cần được tăng cường nhiều hơn nếu như sinh viên không muốn hội nhập trong tâm thế “mù mờ”.
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Phó trưởng khoa nhân học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) nhận định: “AEC thực sự là cơ hội vàng cho Việt Nam vốn đang ở thời kỳ dân số vàng. Cơ hội này không chỉ đến ngay khi AEC chính thức có hiệu lực vào đầu năm tới mà còn đến ở những năm tiếp theo. Tôi cho rằng thanh niên cần chuẩn bị một cách thực sự nghiêm túc về nghề nghiệp để đón lấy cơ hội vàng này nếu không muốn mình mãi chỉ là lao động phổ thông”.
Theo Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Huỳnh Thanh Bình, lao động ở các nước Asean, trong đó có Thái Lan đã và đang rất tích cực chuẩn bị hành trang cho việc hội nhập AEC. Ông Bình cho biết: “Hiện ở Thái Lan người dân không chỉ học tiếng Anh mà còn có phong trào học tiếng các nước trong khu vực để hội nhập AEC. Khi có tay nghề cao lại hiểu biết cả ngôn ngữ nữa thì hội nhập AEC sẽ rất thuận lợi. Vì vậy, lao động Việt Nam không muốn bị thua ngay trên sân nhà thì cần phải chuẩn bị về trình độ tay nghề, tinh thần làm việc chuyên nghiệp, đặc biệt là về khả năng ngoại ngữ”.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai Huỳnh Ngọc Long trăn trở, lao động Việt Nam trước tới nay thường được đánh giá có lợi thế giá rẻ, cần cù chịu khó, nhưng điều cần nhất là trình độ tay nghề, năng suất lao động thì lại thấp. Nếu so sánh lao động Việt Nam với một số nước trong AEC, như: Singapore, Thái Lan hay Malaysia thì đó còn là một khoảng cách khá xa, khó thu hẹp trong thời gian ngắn. Nếu đem lao động Việt Nam “thi đấu” với lao động các nước nói trên thì rất khó thắng thế. “Khi AEC chính thức có hiệu lực, cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ phải bằng “chất” chứ không còn là bằng “lượng” nữa” - ông Long nói.
Theo Báo Đồng Nai