Sự xuất hiện tràn lan của các mặt hàng không rõ xuất xứ, hàng giả, hàng nhái đã khiến người tiêu dùng (NTD) lo ngại, đặc biệt là các bậc phụ huynh khi các mặt hàng này ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em.
Hiện nay, ngày càng nhiều phụ huynh đã có chuyển biến nhận thức rất tích cực trong việc chọn đồ chơi cho con. Thay vì mua các loại đồ chơi Trung Quốc như trước đây, nhiều ông bố, bà mẹ đã tìm đến các sản phẩm “Made in Vietnam”.
Mặc dù bắt đầu chiếm lĩnh được thị phần, nhưng không có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em Việt đánh bại được hàng ngoại nhập. Mẫu mã tuy có đa dạng hơn, phong phú hơn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất các loại đồ chơi quen thuộc, ít đột phá hoặc sáng tạo, quanh quẩn vẫn là thú nhún, nhà bóng, bập bênh, các con thú bằng nhựa… để bán cho các cơ sở vui chơi, nhà trẻ mà ít sản xuất các loại sản phẩm cầm tay dành cho trẻ em. Bởi lẽ, lợi nhuận từ thị trường này không lớn, và khó cạnh tranh với các sản phẩm phong phú của Trung Quốc.
Dù có ưu thế về mặt thị trường, nói cách khác là có được lòng tin của NTD, nhưng để có thể cạnh tranh với Trung Quốc, đồ chơi Việt Nam cần phải có “người cầm trịch”.
Hiện thị trường đồ chơi Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước sản xuất vẫn chủ yếu tập trung ở phân khúc đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi với các sản phẩm đồ chơi quen thuộc và đơn điệu như: ghế ngồi lắc lư, bàn nhạc, xếp hình, câu cá, xếp chữ...
Một mặt phải đối đầu với “ông lớn” Trung Quốc, mặt khác vấp phải sự cạnh tranh không lành mạnh của nhiều cơ sở trong nước, một số doanh nghiệp mãi không gây dựng được thương hiệu. Thậm chí, có doanh nghiệp không đầu tư vào thiết kế mẫu mã mà chỉ “chớp” lấy những mẫu bán chạy của các đơn vị có thương hiệu rồi làm nhái, làm ẩu, bán với giá rẻ.
Trên thực tế, có một số doanh nghiệp Việt Nam mạnh về sản xuất đồ chơi bằng gỗ và cũng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, giá cả sản phẩm còn khá cao nên thị trường chính vẫn là các khu vực thành thị, chưa “phủ sóng” rộng khắp toàn quốc.
Theo Người tiêu dùng