leftcenterrightdel
 Ra mắt Nền tảng nộp đơn điện tử và quản lý vụ tranh chấp trực tuyến,

Cụ thể, tại sự kiện “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế biến động: Tranh chấp và trọng tài” ngày hôm nay (26/6), TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Mua sắm hàng hóa qua thương mại điện tử hiện đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu phát huy hiệu quả, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông.

Tuy nhiên, một trong những thành tố quan trọng của kinh tế số là hợp đồng điện tử. Theo Quyết định 411/QĐ-TTg về chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 80% doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử. 

Do đó, để ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh dẫn đến tranh chấp hợp đồng, các doanh nghiệp cần phải quan tâm tới hoạt động trọng tài điện tử.

Đồng thời, nhằm cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp để bảo đảm thực thi hợp đồng điện tử, một trong những yếu tố cốt lõi của nền kinh tế số, VIAC đã chính thức công bố triển khai Nền tảng Nộp đơn điện tử và quản lý các vụ tranh chấp trực tuyến (VIAC eCase).

Đây là nền tảng do VIAC xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) với nhiều cải tiến, nhằm giúp trải nghiệm tố tụng trọng tài trở nên linh hoạt và thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp; đồng thời, nâng cao tính hiệu quả của một phương thức hỗ trợ cho hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới.

Ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TAND tối cao, cho biết: Những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động tài phán để đáp ứng yêu cầu của nhân dân cũng như phát triển đất nước. Những quốc gia quan tâm ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực tài phán, kể cả tài phán công và tài phán tư đều đạt nhiều hiệu quả tích cực.

Cũng theo ông Phạm Quốc Hưng, thông thường, để yêu cầu trọng tài giải quyết 1 vụ việc, các đương sự phải đến trung tâm trọng tài hoặc ra bưu điện để gửi đơn, nhưng với VIAC eCase, doanh nghiệp có thể ngồi ngay tại nhà hoặc tại công ty, sử dụng thiết bị công nghệ kết nối mạng internet như máy tính, ipad, điện thoại thông minh… cũng có thể gửi đơn tới cơ quan hữu quan yêu cầu giải quyết. Việc áp dụng nền tảng này sẽ tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tránh rủi ro giao thông và nhiều tác động tiêu cực xã hội khác.

Thêm vào đó, việc cung cấp thêm cách thức tham gia tố tụng trọng tài trực tuyến bên cạnh cách thức truyền thống sẽ góp phần hưởng ứng các chiến dịch phát triển xanh và bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng của carbon đối với môi trường thông qua việc giảm thiểu nhu cầu sử dụng giấy trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), xu hướng phát triển của công nghệ ngày càng cao nên việc ứng dụng công nghệ trong giải quyết tranh chấp cũng sẽ đi theo xu hướng này.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ trong giải quyết tranh chấp thương mại cần chú trọng, tăng cường đầu tư về vấn đề cơ sở hạ tầng, bảo đảm trong bảo mật thông tin.

Hoài Thu