Cốt lõi của cách mạng 4.0 là ở sự tiến hóa của máy móc, tức là công nghệ đã cho phép thay thế con người tự hoạt động theo trí tuệ riêng của nó với độ chính xác và hiệu quả cao. Hiện nay, thế giới đang trong giai đọn bản lề của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạt vật, robot, công nghệ nano, công nghệ sinh học…

 

leftcenterrightdel
 Người Việt có thể làm giàu, kinh doanh nếu biết tận dụng sức mạnh của cách mạng 4.0


Có thể thấy, thời gian qua ở đâu đó những thứ tiên tiến nhất như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, công nghệ robot hay vật liệu mới như nano đã xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự xuất hiện này còn mang tính lẻ tẻ, mỗi thứ một ít và không thứ nào đạt đến mức nắm bắt thực sự công nghệ 4.0.
 
Theo TS. Nguyễn Phi Thường - Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì: “Nền sản xuất công nghiệp của Việt Nam phần lớn đang chưa hoàn thành trạng thái 2.0 tức vẫn ở dạng mông muội, người điều khiển máy đơn dùng và chưa có trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, ở một số hoạt động lại có những hệ máy tiến lên 3.0 nhưng không phải do chủ động về công nghệ mà do sự du nhập trong toàn cầu hóa và tính bắt buộc phải có dẫn dắt theo dây truyền sản xuất của thế giới. Nền sản xuất trở nên phân mảnh, đứt gãy và tạo sản phẩm đầu ra nhiều khiếm khuyết, hàng hóa không có sức cạnh tranh. 
 
Thêm vào đó, hầu như trong mọi ngành nghề chúng ta sẽ vấp phải sự lựa chọn rất khó về thay đổi phương thức làm việc và trang thiết bị đi kèm. Chúng ta buộc phải qua 3.0 trước với đặc trưng là xử lý công việc theo một hệ máy kết nối với trái tim là một máy chủ được người điều khiển. Nhưng ngặt lỗi đây là việc quá khó bởi sự khấp khểnh trong quy trình quản trị xã hội và doanh nghiệp. Trường hợp lạc quan nhất nếu chúng ta đạt ngưỡng 3.0 thì so với trí tuệ nhân tạo chủ động của kỷ nguyên 4.0 thì thua rất xa. Vì thế cạnh tranh tổng thể các mặt so với thế giới sẽ rất yếu. Bên cạnh đó, Việt Nam lâu nay trông chờ vào dòng vốn FDI với sự dịch chuyển công nghệ vốn và quản trị hiện đại. Tuy nhiên, hầu hết các ngành nghề thu hút FDI là thâm dụng lao động tài nguyên và chi phí rẻ như: chi phí nhân công, ưu đãi thuế, đất đai v.v...
 
Bước lên 4.0, xu hướng các dòng vốn FDI sẽ quay đầu chảy về chính quốc để tận dụng sức mạnh của cách mạng 4.0 tại đó tốt hơn. Thế mạnh nguồn nhân lực giá rẻ rất có thể sẽ trở thành gánh nặng xã hội khi người lao động không có đủ sức cạnh tranh với những cỗ máy ngày càng thông minh và chi phí cực rẻ. Đã có những dự báo là có tới 86% lao động dệt may của Việt Nam có thể mất việc vì cách mạng 4.0. Hố sâu ngăn cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trở nên trầm trọng khi lực lượng lao động được phân định một cách lạnh lùng “lao động trí thức, lao động cơ bắp”.
 
Khó khăn là rất lớn, nhưng cơ hội cũng mở ra không ít. Việt Nam có 50% dân số, đa số người trẻ đã phổ cập internet, hơn 55% đang sử dụng smartphone và trên 90% số này thường xuyên vào mạng xã hội. Chỉ cần giúp 1% số này đạt đến trình độ chuyên gia công nghệ hoặc trở thành nhà cung cấp doanh nghiệp lớn trên thế giới ảo thì Việt Nam đã có nửa triệu động lực 4.0, hứa hẹn sẽ tạo ra hàng trăm tỷ đô la mỗi năm. Những người Việt biết tận dụng sức mạnh của cách mạng 4.0 truy cập thế giới số, dùng sản phẩm công nghệ có thể làm giàu, có thể kinh doanh nhờ cung cấp từ xa cho khách hàng khắp thế giới sản phẩm, dịch vụ tiện lợi, như: đặt chỗ, mua bán, thanh toán, vận tải, v.v...
 
Từ những vấn đề nêu trên, TS. Nguyễn Phi Thường kiến nghị: Chính phủ cần tiên phong công bố và phổ biến chiến lược về chính sách quốc gia về cách mạng 4.0, sử dụng công cụ chính sách để kích ứng sự thay đổi mạnh mẽ ở các doanh nghiệp. Khoa học công nghệ cần phải thực sự là quốc sách hàng đầu, định hướng nghiên cứu vào và phục vụ cách mạng 4.0. Các nhà khoa học và nhân tài công nghệ cần được tập trung nghiên cứu trong một số tổ hợp khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia, vừa nghiên cứu sản xuất kinh doanh vừa tập trung vào công nghệ cốt lõi chính của 4.0, như: khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo, robot, v.v... Cần xác định đặc trưng cách mạng 4.0 cho Việt Nam là thông minh, đồng thời ưu tiên các tiềm năng quốc gia như: nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch, môi trường, v.v...
 
Nền kinh tế Việt Nam cần điều chỉnh, như sửa lại cơ cấu, thể chế thị trường và hệ thống tài chính. Chiến lược chung là hướng vào dịch vụ, thậm chí phải chủ đạo hơn công nghiệp, đó là dịch vụ du lịch, logistics, tài chính, bảo hiểm… Đặc biệt chú trọng mở ra toàn cầu và hoạt động trên lĩnh vực bán lẻ và hệ thống kinh tế chia sẻ.
 
Làm sao để mọi lĩnh vực, ngành nghề trong nước đều xác định rõ trọng điểm đầu tư và mục tiêu phát triển nguồn nhân lực công nghệ, tức là có tri thức công nghệ, có khả năng làm chủ công nghệ, có thể thực hiện các hoạt động trong môi trường công nghệ cao. Ở một số lĩnh vực mà thế giới đã tiến rất xa như: tài chính, ngân hàng, năng lượng, giao thông vận tải, v.v..., Chính phủ nên hỗ trợ đi tắt đón đầu, đầu tư tiếp cận thẳng công nghệ 4.0 thay vì để các cơ quan, doanh nghiệp tự mày mò nghiên cứu.
 
Minh Đức

 

 Chủ động nắm bắt và khai thác có hiệu quả các cơ hội 

 Tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” diễn ra ngày 5/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Các quốc gia trên thế giới đều có những đối sách khác nhau nhằm tận dụng được xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều tập đoàn như: Alibaba, Facebook, Amazon… đã trở thành những người khổng lồ trong thương mại điện tử, mạng xã hội và có tác động lan tỏa, kết nối mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu.
 
Trước xu hướng đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều giải pháp quan trọng.
 
Thủ tướng nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đồng thời, nêu rõ một số nội dung trọng tâm như: tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh. Xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia.
 
Phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam có đội ngũ trên 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành, lĩnh vực. 
 
Cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần chung tay, vào cuộc trong phong trào đổi mới, sáng tạo, chủ động nắm bắt và khai thác có hiệu quả các cơ hội to lớn mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

 

P.V