Đúng như “kịch bản” của những lần trước, đến hẹn lại lên, sau khi chờ người tiêu dùng “làm quen” với chi phí xăng dầu theo mức điều chỉnh tăng, các doanh nghiệp kinh doanh tắc xi bắt đầu tăng giá cước vận chuyển…
Với lý do thua lỗ so với giá cơ sở, chỉ trong vòng 1 tháng kể từ ngày 14/6 đến ngày 17/7, các doanh nghiệp đầu mối đã liên tiếp 3 lần tăng giá xăng dầu, tạo nên tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng. Giá xăng giờ đây đã lập đỉnh cao nhất trong lịch sử xăng dầu Việt Nam với mức 24.578 đồng/lít (RON 92).
Một trong những “nghề” phụ thuộc trực tiếp vào mức biến động của giá cả xăng dầu là kinh doanh vận tải. Gần như không “chịu nổi” mức tăng giá vừa qua nên dù đã cố gắng kiềm giữ, buộc lòng một số đơn vị đã phải tính đến việc tăng giá cước vận tải để bù đắp chi phí. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đầu tiên “khai hỏa” với biểu giá tăng mới là Tập đoàn tắc xi Mai Linh, với thông báo chính thức tăng cước tắc xi từ ngày 5/8.
Mức tăng của doanh nghiệp vận tải hành khách này được điều chỉnh từ 300 - 500 đồng/km ở khu vực TP.HCM tùy từng dòng xe, ở các tỉnh thành khác như Cần Thơ, Đồng Nai, Vũng Tàu, Mai Linh cố định mức tăng 500 đồng/km. Riêng các tỉnh thành miền Trung, miền Bắc, Mai Linh cũng đang họp bàn với các đơn vị liên quan để xem xét điều chỉnh trong thời gian tới.
|
Taxi Mai Linh "mở màn" đợt tăng giá cước. Ảnh: MH |
Đối với những đơn vị có số đầu xe ít, chưa có nhiều thương hiệu, việc tăng giá cước vào thời điểm này được xem là quyết định khó khăn của người điều hành. Mặc dù chưa tăng giá cước như một số đơn vị kinh doanh tắc xi khác, nhưng theo ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc doanh nghiệp tắc xi Nguyên Minh, công ty của ông cũng phải tính tới việc thích nghi dần với nhịp độ điều chỉnh giá xăng và việc điều hành giá xăng. Tính toán của ông Minh cho hay, trong hoạt động vận tải, xăng dầu chiếm từ 30-40% giá thành.
“Việc tăng giá xăng liên tiếp trong thời gian qua đã tác động trực tiếp vào giá cước, nếu không điều chỉnh giá cước thì chắc chắn doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ”, ông Minh khẳng định. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng muốn tăng giá trong vận tải phải qua nhiều công đoạn, thủ tục, từ việc phải xin phép cơ quan quản lý, thuế, cài đặt giá cước trên đồng hồ tính cước, niêm phong lại niêm phong giá cước trên xe. “Nếu thực hiện những công đoạn này buộc lòng doanh nghiệp phải gọi xe về, ngừng kinh doanh, phải đầu tư chi phí rất tốn kém cho doanh nghiệp”, ông Minh chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, ông Đỗ Quốc Bình, cho rằng, nếu giá xăng tăng ở mức 300-400 đồng thì không tác động nhiều đến giá cước vận tải, nhưng nếu 3 lần tăng giá xăng với tổng mức quá ngưỡng 1.200 đồng/lít thì giá cước taxi có thể được phép điều chỉnh. “Trong trường hợp giá xăng tăng 1.000 đồng/lít thì bản thân người lái xe mỗi tháng phải chi phí thêm khoảng 1,2-1,4 triệu đồng bù vào tiền xăng. Vì vậy, việc tăng giá cước vận tải là điều khó tránh khỏi”, ông Bính nói.
Anh Nguyễn Văn Phúc, một tài xế tắc xi cho biết, xe mà anh đang sử dụng thuộc diện “cổ phần” của hãng. Tức cá nhân có xe thì đóng chi phí vào hãng để nhận thương hiệu, sau đó mỗi tháng đóng số tiền theo quy định cho chủ hãng đó.
“Là xe của nhà nên cước chở khách có thể linh động, nhưng trong điều kiện chủ thương hiệu không cắt giảm chi phí thương hiệu, điều xe, thì buộc lòng chúng tôi cũng phải kiến nghị đến hãng để tăng giá. Nếu ngày trước mỗi ngày cất giữ được vài ba trăm nghìn, thì với giá xăng dầu như hiện nay, số tiền “lãi” thu được đã bị thâm hụt rất nhiều”, tài xế Phúc cho biết.
Theo Như Trang
Phapluatvn.vn