Nhiều người chăn nuôi không dám ăn thịt lợn do chính mình nuôi bằng cám công nghiệp, mà nuôi riêng một chuồng khác để phục vụ gia đình.
 


Mỗi bao cám tăng trọng có giá từ 250.000 - 350.000 đồng/bao. Tính ra mỗi tháng một con sẽ ăn hết khoảng 2 bao cám. Và như thế, trong cả quá trình chăn lứa lợn đó, mỗi một con sẽ ăn hết khoảng từ hơn 1 triệu đồng đến hơn 2 triệu đồng tiền cám.

Bà Cung cho biết, chỉ 10 ngày nữa là trang trại lại xuất đi 50 con nữa. Giá lợn ở thời điểm hiện tại khoảng 40.000 - 42.000 đồng một cân hơi. Gia đình bà Cung vừa bán một đàn lợn 20 con, mỗi con trung bình 75kg, thu được hơn 60 triệu đồng chỉ trong vòng 2,5 đến 3 tháng. Trừ hết các chi phí thì cũng lãi khoảng 15 triệu.

Vợ chồng bà Cung chia sẻ: “Nuôi lợn kinh tế hơn so với các loại gia súc gia cầm khác. Chỉ 2 tháng rưỡi đến 3 tháng là thu một lần, tiền lãi nhìn thấy ngay, chứ không như nuôi bò, lâu thu hồi vốn lắm. Chăn lợn thế này tiết kiệm hẳn tiền ga cho gia đình. Chất thải của lợn chúng tôi xử lý vừa nuôi cá, vừa dùng làm Bioga nấu thay cho ga công nghiệp. Nấu thoải mái, không lo mất tiền”.

Gia đình của ông Đặng Văn Phương (Kim Long – Tam Dương – Vĩnh Phúc) cũng có trang trại chăn nuôi lợn lớn nhất xã. Gia đình ông có đến hơn 500 con. Cũng giống như gia đình ông Bảo, ông Phương sử dụng hoàn toàn cám tăng trọng cho trang trại lợn nhà mình. Hầu như tháng nào ông cũng có lứa lợn để xuất. Mỗi dịp xuất chuồng ít cũng khoảng 60 đến 70 con, mỗi con trung bình cũng dao động từ 70 đến 80kg. Tiền lời thu được mỗi tháng cũng vào khoảng 15 đến 20 triệu đồng.

Nuôi riêng một đàn lợn để gia đình ăn

Dù chưa thể kiểm định trong loại cám công nghiệp này có chứa chất tạo nạc có hại cho sức khỏe người tiêu dùng hay không, nhưng chính hai gia đình này nói riêng và nhiều gia đình khác đều không ăn thịt lợn nuôi bằng cám công nghiệp, mà nuôi riêng một số con để phục vụ gia đình.

Bà Cung cho biết: “Chăn bằng cám thì nhanh được thu một lứa lợn lắm, nhưng thật sự thì thịt của nó ăn không được thơm và ngon. Vì vậy gia đình tôi vẫn nuôi riêng một đàn lợn khoảng 7,8 con để phục vụ cho gia đình họ hàng ăn lợn sạch. Không cho ăn cám tăng trọng, mà chỉ nuôi bằng rau, ngô, sắn thôi. Thịt ăn sẽ thơm và rất ngọt.”.

Như vậy, dù trong các loại cám mà hiện nay người nông dân đang sử dụng trong chăn nuôi chưa có kết luận rõ ràng là có chất độc hại hay không, nhưng chính người chủ chăn cũng không dám ăn thịt lợn do mình nuôi thì những người tiêu dùng hẳn không thể nào phân biệt được thịt nào là thịt lợn sạch.

Chất tạo nạc cho heo gồm Clenbuterol, Salbutamol và nhóm Beta – Organist (Các chất tạo nạc cấm sử dụng trong chăn nuôi vì gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng). Theo một số kết quả kiểm tra của các cơ quan chuyên môn thì có khoảng 30 – 40% thịt lợn bị nhiễm các chất tăng trọng, tăng nạc được phát hiện trên cả nước.

Trước đó, vào năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành thông tư 54 quy định chi tiết về kiểm tra các chất tồn dư trong các sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt là Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamine. Đây là những chất tạo nạc yêu cầu không dùng trong chăn nuôi, gây độc hại khi sử dụng sản phẩm thịt còn dư lượng chất này.
 

Theo VnMedia