Hé lộ những bản hợp đồng có dấu hiệu làm trái quy định của Nhà nước

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, các thư bảo lãnh của Veam cho Vetranco vay vốn ở các hợp đồng tại thời điểm năm 2011 - 2013 đều do ông Lâm Trí Quang, Tổng GĐ và ông Ngô Văn Tuyển (Phó Tổng GĐ phụ trách) ký. Đây là những bản hợp đồng  không đảm bảo được yêu cầu bảo toàn vốn dẫn đến việc phát sinh công nợ lớn, công nợ khó đòi tiềm ẩn khả năng mất vốn.

Theo đó, việc giao dịch kinh doanh thương mại có tính rủi ro nghiêm trọng đã xảy ra tại Vetranco cũng như trong quan hệ thương mại giữa Tổng công ty Veam và Vetranco đã làm cho Tổng Công ty Veam lâm vào nguy cơ thiệt hại rất lớn về kinh tế; Vetranco lâm vào tình thế đặc biệt khó khăn trong hoạt động kinh doanh và người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong văn bản số 39/VEAM-HĐTV (ngày 17/9/2013) thể hiện ý kiến của Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) gửi tới HĐTV, Ban điều hành, Đảng ủy, Công đoàn Tổng công ty Veam có nội dung nêu rõ: “Khi Vetranco đang làm ăn rất tốt nhưng nhận thấy Vetranco có khoản vay Tổng công ty gần 69 tỷ đồng là rất lớn so với vốn điều lệ của họ, chúng ta đã có chủ trương phải từng bước thu hồi số công nợ này, tuy nhiên, Tổng Công ty Veam đã không thu hồi dần tiền vay mà còn tiếp tục cho nợ tiền hàng để đến thời điểm hiện tại cả tiền vay, tiền nợ lên đến 150 tỷ đồng là không hợp lý;  ngoài khoản cho vay, nợ nêu trên, TCty còn bảo lãnh cho Vetranco tới 173 tỷ đồng (theo báo cáo mới thực vay 110 tỷ) cũng rất không hợp lý. Việc bảo lãnh không theo các phương án và thời hạn cụ thể là không kiểm soát được mục đích, tính hiệu quả, mức độ an toàn sử dụng vốn của Vetranco; Việc tiền vay, tiền nợ, tiền bảo lãnh gấp khoảng 20 lần vốn điều lệ của Vetranco mà không có các điều kiện bảo đảm và giám sát là thiếu chặt chẽ.

Trở lại việc ký kết bảo lãnh của Veam cho Vetranco vay vốn ngân hàng từ những năm 2011-2013, tại thời điểm này, các doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng phải đáp ứng được cơ chế đảm bảo rất chặt chẽ nên rất khó tiếp cận nguồn vốn và lãi suất thực chất để các doanh nghiệp vay được vốn với lãi suất cao, từ 21% đến 27%/năm.

leftcenterrightdel
Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam. 

Có dấu hiệu cố ý làm trái quy định

Theo các hợp đồng đã ký giữa Veam (trực tiếp là ông Quang - Tổng GĐ và ông Tuyển- Phó Tổng GĐ) với Vetranco vào năm 2013, Veam đã ký các hợp đồng nhập hàng với cơ chế trả tiền ngay rồi bán cho Vetranco trả chậm trong thời gian 90 ngày và chỉ đạo Vetranco cũng bán chịu cho các công ty tư nhân khác và cho nợ 90 ngày tạo thành vòng khép kín. Các hợp đồng của Veam cho Vetranco nợ với số tiền lớn nhưng không có cơ chế đảm bảo tiền nợ theo quy định dẫn đến làm thất thoát tài sản của Veam tại Vetranco trên 240 tỷ đồng. Trong đó, ông Quang (Tổng GĐ) ký bảo lãnh trên 150 tỷ đồng, còn lại trên 80 tỷ đồng là ông Tuyển (Phó Tổng GĐ) trực tiếp ký.

Tại thời điểm đó, Chủ tịch HĐTV Veam đã có những nhận định (văn bản số 39 ngày 17/9/2013) cho thấy, đã phát hiện ra những bất cập trong các hoạt động thương mại với Vetranco. Tuy nhiên, hai ông Lâm Trí Quang và Ngô Văn Tuyển vẫn triển khai các hợp đồng nêu trên không thông qua HĐQT, có dấu hiệu cố ý làm trái quy định Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến thất thoát của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Cũng tại văn bản số 39/VEAM-HĐTV ngày 17/9/2013, Chủ tịch HĐTV Veam đã đề nghị xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc nêu trên. Ngày 23/1/2018, cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã ra Thông báo số 65/TB-KTNN nhắc lại việc xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong những vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hai ông Quang và Tuyển vẫn không bị xem xét trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật dù đã có kiến nghị từ các cấp, các cơ quan có thẩm quyền. Hiện tại, ông Quang đã nghỉ hưu, còn ông Tuyển vừa được bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc Veam thay ông Trần Ngọc Hà.

Thu Hương