Hàng trăm tỷ đồng bị thua lỗ
Mặc dù chỉ sở hữu 51% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Veam (viết tắt là Vetranco) trị giá hơn 6 tỷ đồng (6,375 tỷ VNĐ), nhưng Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (Veam) vẫn bảo lãnh cho Vetranco vay vốn của Ngân hàng với số tiền gần 150 tỷ đồng.
Cụ thể, tổng giá trị các khoản tín dụng theo 03 hợp đồng tín dụng là 143.000.000.000 đồng. Toàn bộ khoản tín dụng này được Veam bảo lãnh 100% cho Vetranco. Theo đó, việc bảo lãnh của Veam nói trên được cho là đã vi phạm vào khoản 3, Điều 3, Thông tư 242/2009/TT-BTC, theo quy định này thì doanh nghiệp không được phép tự ý ký kết các hợp đồng tín dụng với mức vay vốn vượt quá 03 lần vốn điều lệ. Trong những trường hợp này, lẽ ra Công ty phải gửi báo cáo lên đại diện chủ sở hữu để xem xét, quyết định.
Tại hợp đồng tín dụng thứ nhất theo hạn mức số 1240-LAV-201100396 (ngày 15/8/2012) giữa ngân hàng Agribank (Chi nhánh Hoàng Mai và Vetranco) thì hạn mức cấp tín dụng là 40.000.000.000 đồng được bảo lãnh bằng cam kết của Veam ngày 17/8/2011.
Tại hợp đồng tín dụng thứ 2, mức vay ngắn hạn theo mức số 01/2013/HĐTDNH (ngày 22/72013) giữa Sở giao dịch III Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Vetranco. Trong đó, hạn mức cấp tín dụng là 50.000.000.000 đồng, được bảo lãnh bằng hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn số 02/2009/SGD3-VEAM và thư bảo lãnh vay vốn ngày 23/6/2011.
Tại hợp đồng tín dụng thứ 3, theo hạn mức số 1220-LAV-201300128 (ngày 27/3/2013) giữa Agribank Việt Nam, Chi nhánh Long Biên và Vetranco thì hạn mức cấp tín dụng là 63.000.000.000 đồng, được bảo lãnh bằng cam kết bảo lãnh của Veam ngày 17/01/2013. Việc bảo lãnh này đã vi phạm Thông tư số 117/2010/TT-BTC được quy định tại Điều 3, Điều 4.
Có hay không Veam ưu ái cho Vetranco ?
Việc Veam bán các lô hàng cho Vetranco trị giá hơn 80 tỷ đồng, nhưng không yêu cầu các biện pháp bảo đảm nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán và những người quản lý tại Veam có trách nhiệm phải xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, các khoản nợ không thu hồi được. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy Veam đã nỗ lực thu hồi các khoản nợ này. Điều này vi phạm các nguyên tắc tài chính và vi phạm quy định tại Điều 25, khoản 1, Nghị định 71/2013/NĐ-CP Điều 20, Nghị định 25/2010/NĐ-CP và Điều 20- Nghị định 99/2012/NĐ-CP.
Theo đó, những người quản lý của Veam có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển nguồn vốn tại Vetranco; chỉ đạo đại diện quản lý phần vốn góp của Veam tại Vetranco sử dụng quyền chi phối, quyền phủ quyết trong việc quyết định phê duyệt các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh tại Vetranco.
Tuy nhiên, những người quản lý này đã không thực hiện hết các trách nhiệm nêu trên dẫn đến không kiểm soát được nguồn vốn nhà nước tại Vetranco, dẫn đến việc thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Theo thông tin của PV thu thập được, các thư bảo lãnh của Veam cho Vetranco đều do ông Lâm Trí Quang – nguyên Tổng Giám đốc và ông Ngô Văn Tuyển (nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách chỉ đạo thương mại; Quyền Tổng Giám đốc Veam ký). Trong khi đó, các thư bảo lãnh do ông Quang ký có trị giá khoảng 100 tỷ đồng, còn lại do ông Tuyển ký.
Trở lại câu chuyện của Veam từ những năm 2011-2013. Thời điểm đó, ông Ngô Văn Tuyển là Phó Tổng Giám đốc phụ trách chỉ đạo kinh doanh thương mại của Veam thì nguồn vốn của ngân hàng rất khan hiếm, lãi suất các ngân hàng huy động từ 14-18%/năm. Do vậy, các doanh nghiệp muốn vay vốn phải đáp ứng cơ chế đảm bảo rất chặt chẽ nên rất khó tiếp cận nguồn vốn và lãi suất thực chất để các doanh nghiệp vay được vốn của các ngân hàng với lãi suất dao động từ 21-27%/năm. Câu hỏi đặt ra, khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, bị thua lỗ, mất vốn thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm ?
Điều 3, 4 Thông tư số 117/2010/TT-BTC:
3. Thẩm quyền phê duyệt phương án huy động vốn:
3.1. Công ty được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong phạm vi hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ của công ty không vượt quá 3 lần. Trong đó Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty (đối với công ty không có Hội đồng thành viên) quyết định các phương án huy động vốn có giá trị không vượt quá giá trị vốn điều lệ hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty, hoặc không vượt quá mức giá trị tối đa quy định tại Điều lệ công ty.
3.2. Đối với công ty có nhu cầu huy động vốn vượt quy định tại điểm 3.1 khoản 3 Điều này thì phải báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn có hiệu quả. Sau khi quyết định, chủ sở hữu có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi và giám sát.
4. Công ty mẹ được quyền bảo lãnh cho các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ vay vốn của ngân hàng, các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Trường hợp các doanh nghiệp có vốn góp của công ty mẹ có nhu cầu bảo lãnh thì công ty mẹ được bảo lãnh theo quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc:
4.1. Các bên góp vốn cam kết cùng thực hiện bảo lãnh;
4.2. Tỷ lệ (%) bảo lãnh của từng khoản vay không vượt quá tỷ lệ (%) góp vốn của công ty mẹ trong doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn và tổng các khoản bảo lãnh vay vốn không vượt quá vốn điều lệ của công ty mẹ.
|
Thu Hương