Theo đó, về quản lý các khoản phải thu, tỉ lệ đối chiếu nợ phải thu đến ngày 31/12/2020 chỉ đạt 61,8%; nợ chưa được đối chiếu xác nhận 663.958 triệu đồng (Công ty mẹ, HUDLAND và HUDS); chưa ban hành quy chế quản lý công nợ (HUD4); chưa xử lý dứt điểm một số khoản nợ phải thu với Tổng Công ty. Nợ tồn đọng là 29.603 triệu đồng, nợ khó đòi là 173.578 triệu đồng, chiếm tỉ lệ 10% nợ phải thu.

Chưa trích lập dự phòng đối với khoản nợ quá hạn do chưa thanh lý hợp đồng mua bán nhà. Trích lập dự phòng phải thu khó đòi không đúng quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 48/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính. Một số công trình xây lắp đã hoàn thành từ các năm trước nhưng chưa được chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán hoặc dự án kéo dài đã nhiều năm nhưng vướng mắc trong triển khai thực hiện.

leftcenterrightdel
 
Tòa nhà HUD 37 Lê Văn Lương (Hà Nội). 

Về quản lý nợ phải trả, đối chiếu tỉ lệ nợ phải trả chỉ đạt 53,9%, một số khoản chi phí phải trả chưa được hoàn nhập, trích trước là chưa phù hợp quy định tại Điều 54 Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, chưa điều chỉnh lãi vay, chưa nộp Tổng Công ty cổ tức năm 2019… Ngoài ra, chưa gửi kinh phí bảo trì vào tài khoản ngân hàng độc lập, chưa kịp thời bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định tại khoản 1 Điều 109 Luật Nhà ở.

Việc chấp hành pháp luật, chính sách chế độ trong quản lý dự án đầu tư tại HUD, kế hoạch vốn đầu tư còn chưa sát với thực tế, thực hiện chỉ được 53,4% so với kế hoạch; tỉ lệ giá trị đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu áp dụng đấu thầu rộng rãi chỉ đạt 18,5%; nợ xây dựng cơ bản chưa thanh toán cho các hợp đồng là 135.021 triệu đồng. Hầu hết các công trình, dự án thành phần đều lập, thẩm tra và phê duyệt quyết toán chậm so với quy định tại Điều 21 Thông tư số 10/2020/TT-BTC.

Cùng với đó, do chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại 4 dự án phát triển đô thị, thời gian qua, HUD đã bị các cơ quan chức năng địa phương xử phạt hơn 315 tỉ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, 4 dự án do Tổng Công ty HUD và các đơn vị thành viên đầu tư vừa bị xử phạt hàng trăm tỉ đồng gồm: dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Hà Nội) bị xử phạt hơn 4 tỉ đồng, dự án Phú Mỹ (Quảng Ngãi) bị phạt 1,5 tỉ đồng, dự án Chánh Mỹ giai đoạn 1 (Bình Dương) bị phạt hơn 303 tỉ đồng, dự án HUD Sơn Tây (Hà Nội) bị phạt 6,3 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tại dự án Khu đô thị Chánh Mỹ giai đoạn 2, dù địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 181,66ha đất trong thực tế từ năm 2009 - 2010, đã tính tiền sử dụng đất khoảng 244,8 tỉ đồng, nhưng dự án vẫn "đắp chiếu" nhiều năm.

Từ năm 2018, Tổng Công ty HUD tiếp tục đề xuất tỉnh Bình Dương cho triển khai dự án, nhưng do dự án kéo dài qua nhiều thời kỳ, nhiều cơ chế chính sách về đầu tư và giải phóng mặt bằng thay đổi, đến nay, việc quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai tại Tổng Công ty HUD, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện nhiều dự án do công ty mẹ đầu tư chậm giao đất, hoặc chưa giao một phần đất, làm ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư các dự án. Một số diện tích đất đã giao cho Tổng Công ty này nhưng chưa triển khai xây dựng công trình tại các ô CC2A Khu đô thị Văn Quán (Hà Nội), 5 ô đất: CC-04A, CC-05A, CC-06A, CQ-05, HH-01 thuộc dự án Khu đô thị Việt Hưng. Tại dự án HUD - Sơn Tây, Tổng Công ty HUD chưa nộp tiền sử dụng đất 9.842m2, chưa ký hợp đồng thuê 18.026m2 đất tại đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh, và khoảng 79.000m2 đất tại dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Phước An.

Một số công ty con của HUD như: HUDLAND chưa nộp tiền sử dụng đất 3.501m2 tại Khu đô thị mới đường Lý Thái Tổ, TP Bắc Ninh; Công ty HUD Nha Trang chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa ký hợp đồng thuê 5.125,9m2 đất dự án Khu đô thị mới Phước Long, và khoảng 1.958m2 đất thuộc khu biệt thự Nha Trang - Sea Park; Công ty HUD8 chưa hoàn thành thủ tục cấp sổ đỏ cho 7 căn nhà tại khu nhà ở thấp tầng TT2, TT6B, TT6D Linh Đàm.

Để chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đai tại HUD, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị HUD làm việc với các địa phương để giải phóng mặt bằng và xác định tiền sử dụng đất đối với các diện tích đã được giao. Khẩn trương làm việc với các địa phương: Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hòa để gỡ vướng cho các dự án đang triển khai.

Về quản lý tài chính dài hạn của Tổng Công ty HUD, theo Kiểm toán Nhà nước, công ty mẹ có hiệu quả đầu tư chưa tương xứng với vốn góp đầu tư. Trong số 17 công ty con, công ty liên kết của HUD, có 3 công ty có mức lợi nhuận thấp, tỉ suất lợi nhuận/vốn thấp, chia cổ tức 2-5%. Bên cạnh đó, 4 công ty có lợi nhuận thấp, không chia cổ tức, 1 công ty con có kết quả kinh doanh lỗ, và 4 công ty liên doanh, liên kết làm ăn thua lỗ.

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Tổng Công ty HUD rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân trong đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con nhưng bị thua lỗ.

Hoài Thu