Dịp tết, giá các loại thực phẩm có xu hướng tăng chính là cơ hội để nạn cân điêu hoành hành. Không chỉ có hàng rong, chợ tạm, chợ “cóc” mà ngay cả các chợ lớn có ban quản lý, tình trạng này vẫn diễn ra, khiến người tiêu dùng bị móc túi.
 


Nhiều trường hợp biết là bị cân điêu, nhưng NTD không muốn mất thời gian kiện cáo đành phải tự bảo vệ mình. Một trong những cách đối phó mà bà nội trợ áp dụng là mua cân tay bỏ túi vừa tiện lợi, vừa đem lại sự yên tâm.

Trước đây để đối phó với tình trạng cân điêu, ban quản lý các chợ lớn tại Hà Nội từng có phong trào lắp đặt cân đối chứng để khách hàng kiểm tra. Tuy nhiên, hiện nay ở một số khu chợ hầu như không một cái cân đối chứng nào còn tồn tại, nếu có cũng đã gỉ sét hoặc phục vụ vào mục đích khác. Thậm chí rất ít người biết đến cái cân này, hoặc có biết cũng không nhiều người kỳ công vác hàng ra cân lại.

Bà Nguyễn Thị Phương Cúc – Trưởng BQL chợ Hôm – Đức Viên - cho biết: “Chợ Hôm – Đức Viên (Hà Nội) cũng được trang bị cân đối chứng từ cách đây 7 – 8 năm. Tuy nhiên, chiếc cân đó đã hỏng, cán bộ của BQL chợ đã chuyển tới cơ quan tiêu chuẩn đo lường để sửa. Trong thời gian 1 – 2 năm gần đây, chúng tôi đã thay chiếc cân đĩa vào vị trí chiếc cân điện tử đối chứng để NTD có thể kiểm tra trọng lượng hàng hóa khi mua tại chợ”.

Ngược lại, ở chợ Ngã Tư Sở do đặc thù của chợ là kinh doanh quần áo, đồ giày dép, mỹ ký, túi... nên cân đối chứng ngay từ đầu đã bị lãng quên. Theo ông Trịnh Ngọc Lâm – Trưởng BQL chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội): “Cân đối chứng trang bị cho chợ đã hỏng cách đây vài năm. Vào thời điểm đó, chợ chuẩn bị xây dựng lại, cái cân bị hỏng, để hoen gỉ một góc chợ cuối cùng thành đống sắt vụn”. Vì vậy, người tiêu dùng bị cân điêu giờ chẳng biết kêu ai?


Theo LĐO

.