|
|
Hoạt động sản xuất Công ty phân lân Văn Điển |
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết: Vinachem chưa nhận được kết luận thanh tra từ Bộ Công thương, nhưng đến hiện nay, nhiệm kỳ Tổng Giám đốc của ông Hoàng Văn Tại đã hết. Do có nhiều khiếu nại, tố cáo nên chúng tôi đã không kéo dài chức vụ của ông Tại khi hết nhiệm kỳ. “Giờ ông ấy đã trở thành nhân viên của công ty, không còn là Tổng Giám đốc, còn làm gì thì do công ty sắp xếp. Việc không kéo dài chức vụ của ông Tại thể hiện rõ quan điểm của tập đoàn là không dung túng. Quy trình, chúng tôi cũng đã làm từng bước đối với Công ty phân lân Văn Điển. Bước 1 là không cho ông Tại đại diện phần vốn của Tập đoàn nữa, sau đó do tình trạng khiếu kiện nhiều nên tôi không cho kéo dài chức vụ khi thời hạn tái bổ nhiệm đã đến. Hiện nay, ông Tại cũng không là Tổng giám đốc, Tập đoàn đang làm quy trình bổ nhiệm người khác” – Ông Cường cho biết.
Bày tỏ quan điểm của Tập đoàn hóa chất về vụ việc, ông Cường khẳng định: Thanh tra đang làm việc thì kết luận thanh tra là cơ sở để xử lý, sai phạm ở mức độ nào thì người bị tố cáo phải chịu trách nhiệm ở mức độ đó, nếu là hình sự thì xử lý hình sự, nếu là cảnh cáo thì xử lý cảnh cáo… Còn về tập đoàn, khi chưa có kết luận thanh tra mà xử lý không kéo dài chức vụ Tổng giám đốc của ông Tại như thế là rất nghiêm khắc.
|
|
Quyết định thụ lý đơn tố cáo và lập đoàn xác minh vụ việc |
Được biết, ngày 15/9/2018, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển đã ra Nghị quyết không thực hiện quy trình kéo dài thời gian giữ chức vụ Tổng Giám đốc công ty đối với ông Hoàng Văn Tại; giao cho ông Văn Hồng Sơn, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban giám đốc, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tổng giám đốc kể từ ngày 16/9/2018 cho đến khi Hội đồng quản trị công ty bổ nhiệm Tổng giám đốc mới.
Như báo BVPL đã thông tin, ông Hoàng Văn Tại, Tổng giám đốc Công ty phân lân nung chảy Văn Điển bị tố cáo có nhiều việc làm có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần được xác minh, điều tra để tránh thiệt hại cho cổ đông cũng như phần vốn Nhà nước tại Công ty phân lân Văn Điển. Cụ thể, khi Công ty phân lân Văn Điển thực hiện cổ phần hóa thì em của ông Hoàng Văn Tại là Hoàng Văn Thái đã lập ra Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp, xây dựng Anh Thái (gọi tắt là Công ty Anh Thái) do gia đình ông Thái quản lý và điều hành. Cổ đông phản ánh rằng, từ năm 2011 đến nay Tổng Giám đốc Hoàng Văn Tại đã cho Công ty phân lân Văn Điển ký nhiều hợp đồng và phụ lục hợp đồng với Công ty Anh Thái để thực hiện mua bán hàng hóa với tổng giá trị lên đến hơn 100 tỷ đồng. Cũng theo phản ánh của cổ đông thì những thương vụ mà ông Tại ký với Công ty Anh Thái đã đem về lợi ích cho “sân sau” là Công ty Anh Thái. Trong đó, có những hợp đồng mà cổ đông “tố” là hợp đồng giao dịch mua xi măng, kaly, Công ty phân lân Văn Điển phải trả giá mua cao hơn giá thị trường. Cũng như hợp đồng giao dịch bán phân bón Văn Điển, Công ty Anh Thái được độc quyền tiêu thụ phân bón của Công ty phân lân Văn Điển tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc, được cấp tín dụng hàng chục tỷ đồng (gấp nhiều lần so với vốn điều lệ của Công ty Anh Thái)...
Tiếp đó, ông Tại tiếp tục bị tố cáo thực hiện Dự án “Nhà máy sản xuất phân lân nung chảy và phân bón NPK Văn Điển” (Dự án NPK Văn Điển Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng tại khu B, Khu công nghiệp Bỉm Sơn, Thanh Hóa, có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật khi thực hiện hợp đồng thuê đất để đầu tư. Cụ thể, năm 2013, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng HUD4 (HUD4) và ông Hoàng Văn Tại, đại diện cho Cty phân lân Văn Điển có ký Hợp đồng số 05/HĐTĐ – HUD4 về việc thuê lại đất của HUD4 tại lô số CN16, CN18 và một phần CN15 khu B, khu công nghiệp Bỉm Sơn, Thanh Hóa để xây dựng và sản xuất phân lân nung chảy, phân bón NPK Văn Điển. Diện tích thuê 233.898m2, thời hạn là 50 năm. Tại hợp đồng này thì tiền thuê hạ tầng kỹ thuật, Cty phân lân Văn Điển phải trả cho HUD4 là gần 86 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đơn tố cáo thì một trong những căn cứ pháp lý được viện dẫn trong hợp đồng là căn cứ vào Quyết định số 518/QĐ-UBND ngày 18/12/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc giao đất cho HUD4 xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu B, khu công nghiệp Bỉm Sơn (giai đoạn 1). Trên thực tế, vị trí các lô đất nêu trong Hợp đồng số 05 không nằm trong mặt bằng mà UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định giao giai đoạn 1 cho HUD4?. Phải chăng, HUD4 cho Cty phân lân Văn Điển thuê diện tích đất làm dự án khi chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất?. “Cho đến nay, sau hơn 5 năm ký hợp đồng thuê đất, Cty phân lân Văn Điển vẫn không có cơ sở pháp lý về quyền sử dụng đất thuê và HUD4 vẫn chưa tiến hành thi công hạ tầng kỹ thuật?”- Đơn tố cáo nêu rõ.
Ngoài ra, trong đơn phản ánh, việc thanh toán hợp đồng thuê đất nêu rõ lộ trình thanh toán lần hai: “Trong vòng 15 ngày, sau khi bàn giao đất trên thực địa và bên HUD4 hoàn thành việc san lấp mặt bằng đường xung quanh khu đất đến cốt nền đường theo thiết kế, Công ty thanh toán tiếp cho HUD4 40% tổng tiền thuê hạ tầng theo diện tích thực tế” nhưng trong gần 5 năm sau đó, HUD4 không tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật?. Tuy vậy, Cty phân lân Văn Điển vẫn chuyển cho HUD4 số tiền trên 66 tỷ đồng? Số tiền được chuyển này theo người tố cáo là đã làm thất thoát vốn của Nhà nước vì theo quy định Tập đoàn hóa chất Việt Nam sở hữu 67% vốn điều lệ của Cty phân lân Văn Điển và số vốn của các cổ đông cũng bị thiệt hại theo.
Báo Bảo vệ pháp luật tiếp tục theo dõi vụ việc và thông tin tới độc giả.
Nhóm PV