Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, mặc dù đã nhiều lần liên hệ, nhưng báo BVPL không nhận được phản hồi thông tin từ phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng như lãnh đạo Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển để làm rõ về vụ việc trên.

Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển (gọi tắt là Công ty Văn Điển) được xem là một thương hiệu mạnh của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) và được cổ phẩn hóa năm 2010. Sau cổ phần, phần vốn thuộc sở hữu nhà nước chiếm 67% vốn đều lệ của công ty. Theo quy định của Luật doanh nghiệp, Công ty Văn Điển là doanh nghiệp Nhà nước do Nhà nước nắm giữ trên 51% vốn điều lệ. Công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã cử ông Hoàng Văn Tại làm người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty Văn Điển. Ông Tại là thành viên HĐQT, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Văn Điển.

Theo đơn phản ánh của các cổ đông Công ty Văn Điển gửi báo Bảo vệ pháp luật, trong thời gian ông Tại làm Tổng giám đốc đã có nhiều việc làm có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần được xác minh, điều tra để tránh thiệt hại của cổ đông cũng như phần vốn nhà nước tại Công ty Văn Điển. Cụ thể, khi Công ty Văn Điển cổ phẩn thì em của ông Hoàng Văn Tại là Hoàng Văn Thái đã lập ra Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp, xây dựng Anh Thái (gọi tắt là Công ty Anh Thái) do gia đình ông Thái quản lý và điều hành. Vụ việc sẽ chẳng có gì để nói nếu Công ty Anh Thái không liên quan đến việc làm ăn của Công ty Văn Điển.

leftcenterrightdel
 Hoạt động sản xuất tại công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển

Cổ đông phản ánh rằng, từ năm 2011 đến nay Tổng giám đốc Hoàng Văn Tại đã cho Công ty Văn Điển ký nhiều hợp đồng và phụ lục hợp đồng với Công ty Anh Thái để thực hiện mua bán hàng hóa với tổng giá trị lên đến hơn 100 tỷ đồng. Phải chăng, những thương vụ làm ăn với “người nhà” này ông Tại không hề báo cáo tường minh với Vinachem biết về quan hệ cá nhân của mình với Công ty Anh Thái?.

Cũng theo phản ánh của cổ đông thì những thương vụ mà ông Tại ký với Công ty Anh Thái đã đem về lợi ích cho "sân sau" là Công ty Anh Thái. Trong đó có những hợp đồng mà cổ đông "tố" là hợp đồng giao dịch mua xi măng, kaly, trong đó Công ty Văn Điển phải trả giá mua cao hơn giá thị trường. Cũng như hợp đồng giao dịch bán phân bón Văn Điển, Công ty Anh Thái được độc quyền tiêu thụ phân bón của Công ty Văn Điển tại nhiều tỉnh miền Bắc, được cấp tín dụng hàng chục tỷ đồng (gấp nhiều lần so với vốn điều lệ của Công ty Anh Thái)...

Ngoài ra, cổ đông cũng nêu những nghi vấn quanh việc Tổng giám đốc Hoàng Văn Tại đã ký các hợp đồng độc quyền bán phân bón (hàng hóa đầu ra); các hợp đồng cung cấp hàng hóa, vật tư, nguyên liệu (đầu vào) cho Công ty Văn Điển; sử dụng quyền của người đại diện phần vốn nhà nước quyết định với giá nhập nguyên liệu đầu vào cao hơn giá thị trường; cung cấp hàng hóa với nhiều ưu ái cho công ty Anh Thái để kiếm lợi mà không công khai thông tin trong Hội đồng quản trị. Trong quá trình cổ phần hóa đã để ngoài sổ sách số lượng lớn kaly, đạm, thiết bị, máy móc…

Ngoài đưa Công ty “người nhà” vào để hưởng lợi, cổ đông Công ty Văn Điển còn tố cáo ông Hoàng Văn Tại đã tự ý triển khai cải tạo lò cao số 2 để thực hiện đề tài công nghệ: “Sử dụng khí thải lò cao để sấy bán thành phẩm” với giá trị kinh tế lớn có dấu hiệu khuất tất. Vì việc thực hiện cải tạo lò cao số 2 không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 của Công ty Văn Điển và chưa được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Khi có ý kiến của cổ đông, thành viên HĐQT yêu cầu đưa những hồ sơ, tư liệu về đề tài này thì ông Tại không cung cấp…

Từ nhiều vụ việc khiếu nại và tố cáo đối với ông Hoàng Văn Tại, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển, để đảm bảo thông tin hai chiều, khách quan, báo Bảo vệ pháp luật đã trực tiếp liên hệ với Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để xác minh, nhưng đều nhận được câu trả lời là lãnh đạo đang đi công tác...

Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả khi có phản hồi từ các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan đến vấn đề nêu trên.

Lê Sử - Hoàng Long