Nhiều cảng biển để làm gì

Đây là chia sẻ được ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra tại Tọa đàm Kinh tế vùng trọng điểm nhìn từ hệ thống cảng biển do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 29/5.

Còn ông Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho biết, những năm gần đây, vận tải biển đã chứng tỏ vai trò, vị trí quan trọng của mình. Nhìn vào hệ thống cảng biển chúng ta biết được “sức khoẻ” của nền kinh tế.

Có thể nói ưu thế của của vận tải biển với phương thức vận tải, số lượng lớn, quãng đường dài, giá thành chi phí thấp, khi kinh tế phát triển sẽ tác động đến vận tải biển phát triển và ngược lại, khi vận tải biển phát triển tốt thì thúc đẩy đến nền kinh tế.

leftcenterrightdel
Ông Thắng cho rằng, nhìn vào hệ thống cảng biển chúng ta biết được “sức khoẻ” của nền kinh tế (ảnh T.D)

Ngoài ra, năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam, trong đó khẳng định vai trò quan trọng của vận tải biển cũng như hệ thống cảng biển nói riêng và kinh tế biển nói chung. Đặc biệt, năm 2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã có Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW).

Cả nước hiện có 29/63 tỉnh, thành phố ven biển, nửa dân số ở tỉnh, thành phố ven biển, với vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông trên 1 triệu km2, chiếm khoảng 29% diện tích biển Đông, diện tích này gấp 3 lần diện tích đất liền.

Con đường vận tải trên biển Đông với mật độ đứng thứ 2 thế giới. Với vị trí như vậy, vai trò của vận tải biển cũng như hệ thống cảng biển là hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế.

Dưới góc nhìn của mình, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đặt vấn đề, Việt Nam có những lợi thế lớn để phát triển cảng biển, nhưng thực tế chúng ta phải tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế này. Nhiều cảng biển để làm gì mới là câu hỏi cần trả lời. 

leftcenterrightdel
Cảng của Việt Nam phần lớn mới chỉ là cảng chở hàng ( ảnh : T.D)

“Cảng của Việt Nam phần lớn mới chỉ là cảng chở hàng, vì hiện tại công nghiệp của chúng ta vẫn còn thô sơ, do vậy lợi ích kinh tế vẫn thấp. Ngoài chức năng của riêng các vùng kinh tế trọng điểm, Việt Nam cần khai thác tối đa các chức năng cảng công nghiệp, cảng hàng hoá, cảng du lịch gắn với đặc điểm của từng vùng kinh tế trọng điểm một cách đồng bộ”- ông nói.

"Một vấn đề khác nữa nằm ở tư duy phân bổ nguồn lực để phát triển kinh tế đối với các địa phương còn hạn chế. Tôi thấy rằng, nhiều năm nay bước tiến về mặt cấu trúc trong phân bổ nguồn lực là chưa có. Có thực tế chúng ta không xử lý được câu chuyện phân bổ nguồn lực ra sao để có lợi ích về mặt quốc gia lớn nhất, nhưng cũng phải có lợi cho địa phương" - chuyên gia Trần Đình Thiên nhấn mạnh. 

Bài học nhãn tiền về quy hoạch

Ông cũng cho rằng, điều đầu tiên cần làm đó là hạn chế việc làm theo phong trào. Lợi ích quốc gia phải được đặt lên trước tiên. Những vùng kinh tế trọng điểm cần đầu tư một các hợp lý. Hơn nữa chúng ta phải bỏ tư duy “kiếm lợi”, nhằm tăng hiệu quả đầu tư. Tránh đầu tư dàn trải.

Đầu tư phải đứng trên lập trường phát triển theo đúng luật kinh tế thị trường, không thể đầu tư theo kiểu chia đều mà cần hình thành các cực tăng trưởng, “cực lớn” là đầu tàu cho sự phát triển. Trong hệ thống quy hoạch cần có quy chế đầu tư tốt, phân bổ nguồn lực hợp lý, đúng quy luật… Từ đó giảm sự phức tạp trong việc đầu tư phát triển cho các vùng kinh tế trọng điểm.

leftcenterrightdel
Chuyên gia Trần Đình Thiên cho hay, chúng ta không xử lý được câu chuyện phân bổ nguồn lực ra sao để có lợi ích về mặt quốc gia lớn nhất, nhưng cũng phải có lợi cho địa phương ( ảnh: T.D)

Đối với việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển cần một tầm nhìn ổn định, xa sao cho phù hợp với những biến đổi kinh tế một cách hợp lý nhất. Thực tế, những năm qua chúng ta chưa có một sự đầu tư đủ lớn nào để tạo cú hích phát triển kinh tế cảng biển.

Hiện nay, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế chúng ta cần phối hợp Nhà nước và tư nhân để tạo ra nguồn lực tổng hợp đủ mạnh. Trong đó, Nhà nước phải tạo ra luật chơi và doanh nghiệp tư nhân là người chơi, phải tạo điều kiện sao cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh hơn. Đáp ứng được các yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới…

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng thì cho rằng, chúng ta đã có những bài học về việc đầu tư dàn trải, về việc chạy đua giữa các địa phương. Có đại biểu nói, nhu cầu của các địa phương muốn phát triển, muốn có yếu tố hạ tầng là nhu cầu chính đáng nhưng vấn đề ở đây là quy hoạch và quản lý quy hoạch như thế nào?

Chúng ta cũng đã có một thực tế, so sánh thì hơi khập khiễng nhưng đã có một thời gian các địa phương của chúng ta thi đua để có trường đại học, để đến bây giờ thì 62/63 tỉnh thành có trường đại học, tuy nhiên nhiều địa phương đã thấm thía về việc đầu tư trường đại học.

“Tôi cho rằng đây là bài học nhãn tiền trong quy hoạch, cho thấy cần phải quan tâm trong việc phát triển hệ thống cảng biển của chúng ta, đương nhiên nguồn lực của chúng ta có hạn, nhưng càng có hạn thì nguồn lực của chúng ta càng phải tập trung, càng phải làm tốt quy hoạch”- ông nêu vấn đề.

Từ những nhìn nhận đó, ông đề xuất cần có vai trò “nhạc trưởng” của Nhà nước trong việc đầu tư nguồn lực cũng như quản lý phát triển quy hoạch. Không chỉ là ngành giao thông, mà phải có bàn tay của Nhà nước trong việc lập quy hoạch, giữ quy hoạch, cương quyết thực hiện quy hoạch. Đặc biệt là vai trò điều tiết chung Nhà nước, của Chính phủ trong việc huy động các nguồn lực cũng như quản lý để thu hút nguồn lực xã hội, phát triển các kết nối cũng như các hệ thống logistic.

Minh Nhật