Sau thành công của APEC 2006, Việt Nam một lần nữa được vinh dự đảm nhận trọng trách chủ nhà của năm APEC 2017. APEC lần này, Việt Nam tiếp tục duy trì đà phát triển, hợp tác trong APEC, thúc đẩy liên kết cũng như thương mại, đầu tư trong khuôn khổ APEC. Năm APEC 2017 đã chính thức bắt đầu bằng điểm nhấn quan trọng nhất là Hội nghị Cấp cao APEC khai mạc tại TP. Đà Nẵng xinh đẹp và mến khách. 
 
 
Thành phố Đà Nẵng vinh dự được lựa chọn là nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, tuần trọng điểm với các hoạt động quan trọng nhất trong năm APEC Việt Nam 2017. Những ngày này, nhân dân cả nước đang hướng về Đà Nẵng, chờ đón những tín hiệu vui từ sự kiện quan trọng bậc nhất trong năm. Hơn ai hết, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Đà Nẵng ý thức được trách nhiệm, tầm quan trọng cũng như những vinh dự mà Đảng, Nhà nước đã trao cho Đà Nẵng. Suốt một thời gian dài, Đà Nẵng đã rất nỗ lực để hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của mình. 28 năm kể từ khi được thành lập, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày càng vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực. Trong sự phát triển đó của APEC, Việt Nam đã cùng với các nước thành viên không ngừng nỗ lực vun đắp cho APEC ngày càng phát triển bền vững.
 
Chung tay vun đắp tương lai APEC
 
Nhân dịp khai mạc Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, GS.TS. Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 đã có bài viết với nhan đề "APEC Việt Nam 2017 - Vun đắp tương lai chung trong một thế giới đang chuyển đổi". Trong bài viết này, Chủ tịch nước nêu bật những thành tựu mà APEC đã đạt được cũng như vai trò của chúng ta trong Diễn đàn này. Bài viết có đoạn: “Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng - thành phố biển tươi đẹp, hiện đại, năng động và mến khách - có sứ mệnh quan trọng tạo động lực mới cho hợp tác, liên kết và tăng trưởng của APEC. Đây cũng là dịp để các thành viên APEC làm sâu sắc hơn và nâng tầm quan hệ hợp tác, hướng tới xây dựng một Quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21. Trên tinh thần xây dựng, hợp tác cùng có lợi và với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ thảo luận các định hướng cho Diễn đàn trên những vấn đề then chốt sau:
 
Thứ nhất, khơi dậy động lực mới cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm của các nền kinh tế APEC. Các động lực đó cần gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trang bị cho người lao động những kỹ năng làm việc trong môi trường số; đẩy mạnh cải cách cơ cấu; khai phá tiềm năng sáng tạo, khởi nghiệp và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các thành viên cũng cần hướng tới xây dựng một cộng đồng APEC tự cường và bao trùm, phát triển đô thị - nông thôn bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nước và năng lượng, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và tạo thuận lợi hơn cho các nhóm người dễ bị tổn thương. Những nỗ lực này sẽ góp phần đưa chất lượng tăng trưởng của APEC lên một tầm cao mới.
 
Thứ hai, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư và tăng cường kết nối khu vực. Đẩy nhanh hoàn tất các Mục tiêu    Bô-go vào năm 2020, tăng cường liên kết, kết nối khu vực sâu rộng và hướng tới hình thành FTAAP để gắn kết chặt chẽ hơn các nền kinh tế và doanh nghiệp APEC với dòng chảy thương mại và đầu tư châu Á-Thái Bình Dương. APEC cũng cần tiếp tục thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, không phân biệt đối xử và mang tính bao trùm. Thực tiễn thương mại thế giới cũng đòi hỏi các thành viên tăng cường hợp tác trên các vấn đề chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thương mại điện tử…, tiếp tục nâng cao năng lực và hài hòa chính sách. Đây là những tiền đề quan trọng để Diễn đàn tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu liên kết kinh tế trong cục diện quốc tế đa tầng nấc.
 
Thứ ba, đóng góp vào việc củng cố vai trò lãnh đạo của APEC trong quản trị kinh tế toàn cầu và ứng phó với các thách thức chung. Nâng cao khả năng thích ứng trước những biến động của thời cuộc, đi đầu cải cách, đổi mới, sáng tạo và nâng cao hiệu quả hợp tác để mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân và các doanh nghiệp trong khu vực. APEC cũng cần góp phần tích cực triển khai các cam kết toàn cầu, đặc biệt là các Mục tiêu đến năm 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu. 
 
Thứ tư, để chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư, chúng ta cũng cần thảo luận các bước đi để xây dựng Tầm nhìn chiến lược cho Diễn đàn sau năm 2020. Tầm nhìn đó cần gắn với việc đưa APEC đi đầu trong việc thúc đẩy liên kết, kết nối, tăng trưởng chất lượng, bền vững và bao trùm; đẩy mạnh cải cách cơ cấu, kinh tế số, kinh tế mạng, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hẹp khoảng cách phát triển… Đây chính là những nhu cầu phát triển nội tại của các nền kinh tế thành viên và xu thế chung của hợp tác quốc tế trong thế kỷ 21.
 
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự gắn bó giữa Việt Nam với APEC, trong suốt gần 20 năm qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các quan tâm chung của Diễn đàn. Bước vào giai đoạn đổi mới đồng bộ và toàn diện, với việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017, Việt Nam mong muốn tiếp tục khẳng định chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, phấn đấu cùng các nền kinh tế thành viên vun đắp cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng”.
 
Cơ hội mới cho chúng ta
 
Hội nghị cấp cao APEC là dịp để quảng bá cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đồng thời mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nói về APEC 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của Năm APEC 2017 mà chúng ta lựa chọn được bạn bè, đối tác đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng. Trên cơ sở tiếp nối các thành quả của hợp tác APEC thời gian qua, Việt Nam đề ra 4 ưu tiên lớn về: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là những nội dung đáp ứng được sự quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế, đồng thời cũng phản ánh rõ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn mới.
 
 
Đối với Việt Nam, APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất. Diễn đàn hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, và nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các FTA song phương và nhiều bên của nước ta. Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Khoảng 80% du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC.
 
Đối với các địa phương và doanh nghiệp, khoảng 200 hoạt động của APEC trong năm 2017 đã và sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư, du lịch... Riêng Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng dự kiến có khoảng 10.000 đại biểu, doanh nghiệp hàng đầu khu vực và quốc tế cùng các tập đoàn truyền thông lớn tham dự. Đó là cơ hội hiếm có để quảng bá hình ảnh một Việt Nam đổi mới, năng động cũng như lợi thế so sánh của các địa phương, vùng miền trên cả nước. Đây cũng là dịp để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp mài giũa năng lực hội nhập quốc tế, góp phần đẩy mạnh văn hóa hội nhập của đất nước.
 
Xuân Nha