Ngân hàng có được quyền bán nợ xấu cho cá nhân?
Thời gian gần đây, từ hồ sơ vụ việc thể hiện, ba ngân hàng gồm: Vietcombank, Viettinbank và Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng thuận tài trợ cho vay đối với Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung (Cty Hoàng Cung). Do khoản vay biến thành nợ xấu, ba ngân hàng đã đồng thuận tổ chức bán đấu giá khoản nợ. Bà Nguyễn Thị Định trúng đấu giá với số tiền mua lại khoản nợ là 205 tỉ đồng.
Ngày 13/3/2018, các ngân hàng thông báo đến Hoàng Cung nội dung: Bà Định là chủ nợ mới và số tiền nợ gốc và lãi của Hoàng Cung tính đến thời điểm 31/12/2017 là 405.076.667.185 đồng.
Do Cty Hoàng Cung không công nhận tư cách chủ nợ mới của bà Định, buộc bà Định phải làm đơn khởi kiện ra TAND TP Huế để được bảo vệ quyền lợi. Ngày 19/9/2019, TAND TP Huế đã thụ lý vụ án. Theo yêu cầu khởi kiện, Cty Hoàng Cung phải trả cho bà Định cả gốc lẫn lãi theo các Hợp đồng tín dụng tạm tính đến ngày 30/6/2019 là hơn 463 tỉ đồng.
Điều bất ngờ là bị đơn đã căn cứ vào Khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết 42 để phản tố. Đơn phản tố thêm vào chữ “chỉ có” và “mới được” khi trích dẫn khoản 2 Điều 6 để khẳng định: “Chỉ có tổ chức mua bán xử lý nợ xấu mới được bán nợ xấu cho cá nhân, pháp nhân, báo gồm cả doanh nghiệp không có chức năng mua bán nợ”. Từ đó, bị đơn cho rằng, các ngân hàng không phải là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu nên bán nợ xấu cho cá nhân bà Định là trái qui định Nghị quyết 42.
Tranh luận lại, luật sư phía nguyên đơn và ngân hàng khẳng định: Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 42 điều chỉnh quan hệ mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Ngân hàng không phải là tổ chức này nên không thuộc sự điều chỉnh của điều luật.
Trong khi đó, quan hệ mua, bán nợ xấu của ngân hàng với cá nhân đã được Thông tư số 09/2015/TT-NHNN được NHNN ban hành ngày 17/7/2015 (TT 09) qui định. Tại Điều 3, 4 có qui định: “3/ Bên bán nợ là tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài... 4/ Bên mua nợ là tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tổ chức khác, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ…”. Việc ngân hàng bán nợ xấu cho bà Định là căn cứ vào TT 09, không trái với Nghị quyết 42.
Lý lẽ phản tố từng bị bác bỏ tại một bản án có hiệu lực
Đó là bản án số 01/2019/HDTM-PT, ngày 2/4/2019 của TAND tỉnh Lào Cai, xét xử phúc thẩm bản án sơ thẩm số 08/2018/KDTM ngày 20/11/2018 của TAND TP L, tỉnh Lào Cai, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của TAND tối cao.
Điều đáng quan tâm là trong vụ án này, bị đơn cũng cho rằng, nguyên đơn là một doanh nghiệp không có chức năng mua bán nợ nên mua nợ của ngân hàng là trái với khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 42. Bản án sơ thẩm đã xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, tuyên bố Hợp đồng mua bán nợ giữa ngân hàng với nguyên đơn là vô hiệu.
Tuy nhiên, tại Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lào Cai đã nhận định: Bản án sơ thẩm cho rằng Công ty T không có quyền mua nợ của TCTD vì theo Nghị quyết 42 không qui định việc bán nợ của TCTD vì vậy Hợp đồng mua bán nợ số 01/2017/HĐMBN ngày 2/11/2017 giữa ngân hàng với Công ty vô hiệu là chưa chính xác, chưa xem xét hết các qui định của pháp luật hiện hành đang có hiệu lực pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 17 Nghị quyết 42 về áp dụng pháp luật qui định: “Việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD... được thực hiện theo qui định của Nghị quyết này. Trường hợp Nghị quyết này không có qui định thì áp dụng qui định của pháp luật hiện hành”.
Do Nghị quyết 42 không qui định việc bán nợ của các TCTD và cũng không thay thế, không bãi bỏ văn bản pháp luật nào, cho nên việc bán nợ của TCTD (ngân hàng) được thực hiện theo các qui định của pháp luật hiện hành mà cụ thể là TT 09 và các văn bản pháp luật hiện hành khác...
Theo qui định của TT 09, bên mua nợ có thể là tổ chức, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Vì vậy, Công ty T mặc dù không có đăng ký kinh doanh dịch vụ mua bán nợ vẫn có quyền mua nợ do TCTD bán”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng giải thích về Điều 6 Nghị quyết 42
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư, nguyên Kiểm sát viên VKSND tối cao Phạm Huỳnh Công cho biết: Trước tình hình nợ xấu trở thành “cục máu đông” nguy hại cho nền kinh tế, với tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ 17,21% (thời điểm tháng 5/2015) gấp nhiều lần tỉ lệ cho phép là dưới 3%, ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, có hiệu lực trong 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017.
Tại “Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” số 157/BC-UBTVQH, ngày 20/6/2017, UBTVQH đã giải trình rõ Điều 6 Nghị quyết 42 như sau: “Có ý kiến cho rằng, qui định tại Điều 6 có thể dẫn đến cách hiểu việc mua bán nợ xấu đều phải qua một tổ chức xử lý mua, bán nợ, còn TCTD không thể tự bán ra ngoài thị trường được. UBTVQH xin báo cáo như sau: Theo qui định pháp luật hiện hành, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có quyền bán nợ xấu cho tổ chức, cá nhân mà không phải bắt buộc phải là các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ. Như vậy, TCTD có thể tự bán nợ, bán cho cả tổ chức xử lý mua bán nợ và các tổ chức kinh tế không có chức năng kinh doanh mua bán nợ. Do vậy, không cần quy định trong dự thảo Nghị quyết”.
“Với giải trình trên đây của UBTVQH - chủ thể duy nhất có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh theo qui định tại Điều 90 Hiến pháp 1992 thì nội dung Điều 6 Nghị quyết 42 tưởng không có gì phải bàn cãi. Vậy mà thực tế áp dụng vẫn xảy ra tình trạng hiểu sai điều luật này. Đó là một thực tế rất đáng suy nghĩ.”, ông Phạm Huỳnh Công chia sẻ.