Trên thị trường hiện đang lưu hành nhiều loại máy đo an toàn thực phẩm với những quảng cáo công dụng như mơ, “bảo bối” bảo vệ người tiêu dùng trước ma trận thực phẩm bẩn, rau, củ, quả ngậm hóa chất; thịt cá có chất cấm... Nhưng những máy này liệu có công năng thực như quảng cáo hay không vẫn là câu hỏi đầy băn khoăn với người tiêu dùng.
|
Người tiêu dùng khó lựa chọn thực phẩm an toàn. Ảnh TL. |
Ma trận quảng cáo máy đo an toàn
Trước tình trạng hoa quả, rau củ ngậm hóa chất, thực phẩm có chất cấm tràn lan trên thị trường, nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhanh nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng nên đã nhập khẩu, phân phối đưa ra thị trường nhiều loại máy kiểm tra thực phẩm an toàn. Các loại máy này được quảng cáo khắp nơi với các công dụng “phát hiện ngay độc tố chỉ sau 15 giây”. Chỉ cần lên mạng internet, gõ từ “máy đo an toàn thực phẩm”, trong chưa đầy một giây đã cho tới gần 400.000 kết quả với đủ loại quảng cáo về các loại máy, nhà phân phối, với đủ loại ưu đãi…khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận máy đo bảo vệ bữa ăn gia đình.
Chị Nguyễn Hoàng Anh (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) sau một thời gian đắn đo đã mua máy SOEKS NUC-019-1 với giá 4,5 triệu đồng từ một công ty chuyên phân phối được quảng cáo trên mạng. Mức giá trên đã được cho là đã triết khấu giảm tới 17%. Trước đó chị cũng đã được nghe nhiều bạn bè quảng cáo, giới thiệu và tìm hiểu công dụng cũng như các tiện ích. “Nhưng giữa rừng thông tin, từ hàng nhập khẩu đến hàng xách tay, tôi không biết chọn loại nào, sau cùng đành chọn giải pháp mua hàng nhập khẩu có công ty phân phối cho chắc chắn”- chị Hoàng Anh nói.
Với thiết kế nhỏ gọn, chiếc máy kiểm tra chất lượng lượng an toàn thực phẩm được chị Hoàng Anh dùng thường xuyên, thậm chí còn coi như “vật bất ly thân”. Từ ngày có chiếc máy thử, mua hoa quả gì về nhà hay ghé sang nhà nội chuẩn bị đồ ăn, chị cũng lấy máy ra kiểm tra từ quả cà chua đến mít, cam, dưa hấu…Theo quảng cáo, máy SOEKS là một trong những thiết bị đo lường dư lượng Nitrat trong thực phẩm tiêu dùng và chất phóng xạ. Máy đo sẽ báo kết quả gần hàm lượng dư tải chất độc hại Nitrat trong các thực phẩm như thịt, trái cây, cá… chỉ sau 15 giây sử dụng. Công dụng của máy được giới thiệu rõ như vậy, nhưng thời gian gần đây, chị Anh tỏ ra rất băn khoăn khi có nhiều thông tin, máy này chỉ đo được một chỉ số và không phải là bảo bối an toàn vì rau, củ, quả và thực phẩm nếu ngậm các loại hóa chất độc hại khác, máy này sẽ không đo được
Tại thị trường Hà Nội, có hai loại máy phát hiện dư lượng Nitrat có trong rau, củ, quả, thịt tươi, đều có xuất xứ từ Nga với mã là SOEKS NUC-019-1 (giá 4,5 triệu đồng) và Ecotester (giá 6,5 triệu đồng). Hai loại máy đều được cài phiên bản tiếng Việt, trong đó có dữ liệu chỉ số hàm lượng nitrat chuẩn của hơn 60 loại thực phẩm theo quy định cho phép của WHO. Ngoài hàng nhập khẩu do công ty phân phối, còn có hàng xách tay với giá thường thấp hơn 1 triệu đồng.
Điện thoại tới số nhân viên bán hàng, được ghi ở website http//maydothucpham.com, phóng viên nhận được lời tư vấn, với tình hình thực phẩm đáng báo động như hiện nay, người tiêu dùng cần phải trang bị một thiết bị đo lường. Nhân viên tư vấn bán hàng cho biết, đây là sản phẩm uy tín được Bộ Y tế chứng nhận. Tuy nhiên, đại diện website này cũng thừa nhận hiện máy chỉ đo được một tiêu chí, đó là lượng Nitrat tồn dư trong thực phẩm.
|
Một loại máy đo kiểm tra thực phẩm đang bán trên thị trường. |
Loại máy được gọi là đo độ an toàn thực phẩm nhưng vì công năng chỉ đo được mỗi Nitrat nên có nhiều hạn chế. Mặc dù Nitrat tồn dư trong thực phẩm là mối nguy hại lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bên cạnh Nitrat còn có rất nhiều chất bảo quản, hóa chất khác. Những chất này, máy đo Nitrat không thể đo được. Vì thế, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), phải gọi chiếc máy này là máy đo dư lượng Nitrat trong thực phẩm chứ không nên gọi là máy đo an toàn thực phẩm để tránh làm người tiêu dùng hiểu lầm về công năng của nó.
Một chỉ số, không thể gọi là an toàn
Trong khi nhiều người tỏ ra hào hứng, giới thiệu, tin dùng máy kiểm tra an toàn thực phẩm thì một số người lại cho rằng đó là loại máy tầm phào.
Anh Hoàng Anh Minh (ngõ 259, Cầu Giấy, Hà Nội) nói: Nào là máy sục ozon, rồi máy “test” (kiểm tra) thực phẩm..., toàn là đi theo trào lưu. “Cứ theo máy, khi chỉ số máy báo quá quy định thì không ăn, không uống nữa à?”- anh Minh đặt ngược câu hỏi.
Cùng quan điểm không tin tưởng, chị Mỹ Hạnh (Cầu Giấy) cũng chia sẻ: đi chợ, ra cửa mà mà cứ khư khư đưa máy ra thử thì ai bán, không khéo lại bị chửi. Hàng mua về nhà rồi mới đưa máy ra thử, thì cũng xem như thừa.
Hiện nay máy đo dư lượng Nitrat trên thực phẩm bán trên thị trường do Nga sản xuất được Bộ Y tế cấp phép được nhiều người săn đón. Nhiều bà nội trợ xem đó là công cụ để đối phó với hiện trạng thực phẩm bẩn tràn lan. Tuy nhiên, vì công năng chỉ đo được mỗi Nitrat nên vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù Nitrat tồn dư trong thực phẩm là mối nguy hại lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bên cạnh Nitrat còn có rất nhiều chất bảo quản, hóa chất khác. Những chất này, máy đo Nitrat không thể đo được. Chẳng hạn như với các tiêu chí khác như kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo về thực vật và các chất độc hại khác thì máy đo dư lượng Nitrat bó tay.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, phải gọi chiếc máy này là máy đo dư lượng Nitrat trong thực phẩm chứ không nên gọi là máy đo an toàn thực phẩm để tránh người tiêu dùng hiểu lầm về công năng của nó. Ông Thịnh nói, đây là thiết bị điện tử tự động có gắn một đầu cảm ứng sẽ thay đổi độ nhạy sau một thời gian sử dụng. Để đảm bảo thiết bị này hoạt động chính xác sau một thời gian sử dụng, người tiêu dùng cần mang thiết bị đến các cơ sở đo lường để kiểm tra.
Giới chuyên gia cho rằng, thực phẩm bị nhiễm độc từ nhiều yếu tố, như tồn dư chất bảo quản, thuốc trừ sâu, thêm cả các loại vi khuẩn, sinh vật ký sinh. Không nên chỉ căn cứ vào một chỉ số để khẳng định sản phẩm đó sạch hay không sạch.
Theo An ninh thủ đô