Lấy vội ra một lọ dung dịch nhỏ màu trắng xanh, chủ cửa hàng ngã giá 40.000 đồng. Người này nói: “Cái này gọi là hương lá nếp, em cho vào cái gì cũng thơm”.
 


Riêng về thông tin có hay không việc sử dụng hóa chất, hương liệu để ướp gạo, đa phần tiểu thương đều tỏ ra khá bất ngờ. Không ít người còn quả quyết không hề sử dụng bất kỳ hóa chất nào lên gạo. Một chủ cửa hàng “đưa đẩy”: “Nếu bảo quản thì có chăng là các đại lý phân phối lớn mới sử dụng chứ chúng tôi bán nhỏ lẻ cứ 3 -7 ngày lại bán hết gạo và nhập lần tiếp theo thì bảo quản làm gì”.

Người này cho biết thêm, riêng chuyện cùng một loại gạo nhưng bán ở hai nơi với hai giá khác nhau là có thực. Ví dụ, cùng là gạo tám Thái, nhưng khu vực Hoàng Mai bán với giá 22.000 đồng/kg, trong khi đó ở Ngọc Khánh chỉ có 18.000 – 20.000 đồng/kg. Loại trừ yếu tố chi phí thuê mặt bằng, sở dĩ gạo có mức giá “vênh” nhau như vậy là do các cửa hàng nhỏ lẻ trộn gạo.

Trộn gạo, theo giải thích của “dân buôn” là cách thức lấy loại gạo có giá trị ngon nhất trộn lẫn với gạo loại hai, loại ba kém ngon hơn. Gạo sau khi trộn, tùy thuộc vào tỷ lệ sẽ bán với giá của gạo loại một hoặc loại hai, ba. Riêng về “công thức” trộn gạo, người này bật mí: Gạo ngon với gạo thường tùy vào các mức giá định bán sẽ được trộn lẫn với nhau theo tỷ lệ 3:1 hoặc 1:1. Sau khi gạo được trộn, chỉ cần “cắm biển, đề tên” trên chậu gạo là có thể xuất hàng, định giá thoải mái. Như vậy, người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt thòi bởi sự nhập nhèm trong giá cả và chất lượng gạo.

Trở lại với câu chuyện đồn thổi gạo đang lưu thông trên thị trường Hà Nội bị ướp hương liệu, chất bảo quản. Trong khi cơ quan chức năng khẳng định không có hiện tượng này thì loại thuốc ướp, tạo hương cho gạo lại có thể tìm thấy khá dễ dàng ngay giữa lòng Thủ đô.

Trong vai một tiểu thương có nhu cầu mua thuốc về ướp gạo, người viết đã được chủ cửa hàng số 88 Hàng Buồm tận tình chỉ dẫn. Lấy vội ra một lọ dung dịch nhỏ màu trắng xanh, chủ cửa hàng ngã giá 40.000 đồng. Người này nói: “Cái này gọi là hương lá nếp, em cho vào cái gì cũng thơm”.

Thắc mắc vì sao thuốc chỉ có “chữ ngoại quốc” với những ký tự loằng ngoằng mà không có dòng hướng dẫn tiếng Việt nào, người này giải thích: “Gọi nôm na là hương cốm, hương gạo nếp, hương thơm…, cái này cứ vẩy đều lên gạo rồi đảo đều, thế thôi. Cái này là mình phải về tự điều chế, không có hướng dẫn nào hết”.

“Vậy chị còn loại nào khác ngoài lọ nhỏ này không?” – tôi hỏi. “Loại to chị cũng có, loại màu trắng, loại đỏ, loại xanh đều có, đựng cả trong can kìa. Nhưng mà những loại đựng trong can to này nó không thơm, em làm (trộn gạo – PV) sẽ dễ bị hỏng”.

Dường như vẫn thấy tôi trố mắt ngờ nghệch, người phụ nữ này tiết lộ thêm: “Loại to là 100.000 đồng/chai nửa lít, nhưng chị nói cho em biết, cái loại to này không bao giờ ngon vì nó là hàng pha chế. Nó không hề thơm. Còn cái lọ nhỏ này là hàng nguyên chất. Em mua của chị một lần cái này (lọ thuốc nhỏ) sẽ không bao giờ muốn dùng can to nữa đâu. Cái nhỏ này dùng được nhiều thứ lắm, đồ giải khát cũng cho vào, rồi cà phê, cốm…”.

Theo thái độ và sự “tư vấn” của chủ cửa hàng trên phố Hàng Buồm, dường như việc tiểu thương, “lái buôn” đi tìm mua loại thuốc tạo hương gạo diễn ra khá thường xuyên. Chẳng thế mà thứ chất ấy được chất đầy trong các can to, can bé vứt chỏng chơ ngay một góc dưới chân sạp hàng.

Chuyện gạo ướp thuốc có thực sự “sạch” như đã kiểm nghiệm, loại thuốc “ướp” gạo thơm như mùi lúa nếp ấy có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không…, có lẽ phải chờ đợi những động thái tiếp theo của các ban, ngành chức năng. Thế nhưng có thể thấy, sự mập mờ trong nguồn gốc, chất lượng gạo đang bày bán trên thị trường là hệ quả tất yếu trong việc buông lỏng quản lý của những người có trách nhiệm.
 

Theo PLVN

.