Nhập nhằng việc giao khoán

Ngoài việc chỉ ra những sai phạm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, Đoàn Thanh tra tỉnh Đắk Lắk cũng làm rõ những thiếu sót trong công tác quản lý rừng trồng, công tác giao khoán cây trồng tại các công ty lâm nghiệp. 

Cụ thể, tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing (Cty Lâm nghiệp Buôn Wing), đơn vị này ký hợp đồng thuê hơn 3.407 ha đất để trồng rừng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ phát triển rừng tự nhiên và trồng cây cao su. 

Sau này, Công ty đã thực hiện giao khoán gần 2.400ha đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên cho 14 nhóm hộ, giao khoán đất trồng cây cao su cho 66 hộ với diện tích 170ha. 

Từ năm 2002 - 2005, Công ty đã ký hợp đồng giao khoán 170ha cao su với thời hạn 50 năm cho 66 hộ dân. Lúc đầu, các hộ nhận khoán chấp hành nghiêm việc chăm sóc, khai thác và bao tiêu sản phẩm. 

Thế nhưng, từ năm 2006, có một số hộ không thực hiện việc nộp sản phẩm nhận khoán vườn cao su về cho công ty, thậm chí có hộ còn bất hợp tác. Do không thu được sản phẩm từ các hộ nhận khoán vườn cao su nên Cty Lâm nghiệp Buôn Wing không có khả năng trả nợ vốn đã vay của Qũy đầu tư và phát triển tỉnh Đắk Lắk. 

Đến giữa năm 2013, UBND tỉnh có công văn cho phép Cty Lâm nghiệp Buôn Wing được chuyển nhượng lại vườn cao su đang giao khoán cho các hộ dân nhằm thu hồi vốn, trả nợ cho Qũy đầu tư và phát triển tỉnh Đắk Lắk. 

Đến năm 2014, UBND tỉnh có quyết định về việc phê duyệt giá trị chuyển nhượng 18,25 ha vườn cây cao su (đợt 1) của Cty Lâm nghiệp Buôn Wing với giá hơn 3,3 tỷ đồng. Theo đó, phía Công ty sẽ chuyển nhượng cho 09 hộ đang trực tiếp nhận khoán theo danh sách mà UBND tỉnh đã duyệt. 

Thế nhưng, qua kiểm tra vào tháng 12/2016, lực lượng chức năng phát hiện, Công ty mới thực hiện chuyển nhượng được 01 trường hợp theo Quyết định số 2954/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Còn lại, Công ty đã thu tiền, chuyển nhượng đối với 05 hộ không có tên trong Quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk, thu hơn 565 triệu đồng là không đúng quy định. Sau đó, đoàn kiểm tra phát hiện, có 2 hộ dân đã chặt bỏ hơn 3ha cao su để trồng cà phê tại một số vị trí thuộc tiểu khu 545 do Công ty quản lý. 


Buông lỏng quản lý


Đối với Cty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, kết luận thanh tra xác định, Công ty này chưa thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ rừng; chưa có biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết nên dẫn đến tình trạng sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép trên diện tích hơn 90ha, bị lấn chiếm đất rừng với diện tích hơn 358ha và để cho 32 hộ làm nhà tạm trái phép. 

Còn Cty Lâm nghiệp Ea H’leo đã không tổ chức thực hiện công tác giao - nhận rừng và đất rừng thực địa, dẫn đến không phát hiện và xác định được cụ thể diện tích khoảng 712ha đất rừng tự nhiên bị người dân xâm canh, lấn chiếm trước năm 2008 (trước khi Công ty chưa được Nhà nước cho thuê đất).

Từ năm 2008 đến tháng 10/2016, trên diện tích Công ty quản lý, có khoảng 300 ha đất bị lấn chiếm, sử dụng trái phép. Ngoài ra, việc quản lý đất đai của Công ty qua các thời kỳ không chặt chẽ để xảy ra nhiều vụ phá rừng nhưng không bắt được các đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định. 

leftcenterrightdel
Đất rừng tại Công ty Lâm nghiệp Ea Wy quản lý bị xâm canh, để trồng cây lâu năm và cây ngắn ngày nhiều năm nay chưa được giải quyết dứt điểm. 

Kết luận Thanh tra cũng thể hiện, trên lâm phần gần 5.000ha do Cty Lâm nghiệp Thuần Mẫn quản lý, sử dụng, có khoảng 2.000ha đã bị người dân lấn chiếm, xâm canh. Trong đó, có khoảng 838 ha bị lấn chiếm trước năm 2009 (trước khi Công ty thuê đất), còn lại hơn 1.000 ha bị người dân xâm lấn từ cuối năm 2009-2012. 

Đối với Cty Lâm nghiệp Ea Wy, đơn vị này bị xâm chiếm hơn 900 ha (tính từ năm 2008 - 2012) đất trong lâm phần quản lý. Từ đầu năm 2012 đến tháng 10/2016, trên lâm phần của Công ty quản lý còn để xảy ra nhiều vụ phá rừng nhưng Công ty không bắt được đối tượng vi phạm. 

Theo Kết luận của Đoàn thanh tra tỉnh Đắk Lắk, hầu hết các công ty lâm nghiệp đều có khuyết điểm chung là không thực hiện thường xuyên công tác tuần tra, bảo vệ rừng nên không phát hiện kịp thời các vụ phá rừng. 

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất, rừng tại phạm vi các công ty quản lý là do lâm phần rộng, lực lượng tuần tra mỏng, thiếu công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí thấp, sống quanh bìa rừng còn sống phụ thuộc vào rừng, có thói quen vào rừng canh tác nương rẫy, tình trạng di dân tự do từ phía Bắc vào nhưng thiếu đất sản xuất đã gây áp lực rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp. 

Hơn thế, việc phối hợp hỗ trợ với chủ rừng để xử lý các đối tượng vi phạm lâm luật của chính quyền địa phương còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Khi phát hiện những vụ làm nhà trái phép, một số công ty đã báo cáo nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý dứt điểm. 


Làm rõ sai phạm


Từ những lý do trên, kết luận Thanh tra khẳng định, ngoài trách nhiệm của chủ rừng, còn có trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương qua các thời kỳ. 

Cụ thể, đối với Cty Lâm nghiệp Ea Wy, trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm trong giai đoạn thanh tra thuộc về Ban giám đốc và các cá nhân liên quan. Trong đó, từ giai đoạn 2012-2013 thuộc về ông Lê Văn Dĩ (Giám đốc, nay đã chết); từ năm 2013-2016 thuộc về ông Phạm Tấn Việt - Giám đốc Công ty. 

Bên cạnh đó, các khuyết điểm tồn tại của Cty Lâm nghiệp Ea Wy từ năm 2012 đến tháng 10/2016, Chủ tịch UBND huyện Ea H'leo, Chủ tịch UBND các xã: Ea Wy, Cư Mốt, Ea, Ral Cư Amung và các cơ quan chuyên môn huyện Ea H'leo cũng phải chịu trách nhiệm.

Việc để xảy ra sai phạm tại Cty Buôn Wing thuộc trách nhiệm của Giám đốc Công ty này và các cá nhân liên quan nhiệm kỳ từ năm 2012 đến tháng 10/2016. 

Đối với những sai phạm tại Cty Lâm nghiệp Thuần Mẫn, trách nhiệm thuộc về ông Hoàng Văn Chuyên (Giám đốc) và các cá nhân trong công ty tại giai đoạn thanh tra. Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện Ea H'leo và các xã Ea Nam, Ea Tir cũng chịu trách nhiệm liên quan. 

Nguyễn Chính - Lê Ấn