Những túi nilon, bao tải chứa bưởi, mít, táo cam đã có mùi… được phủ kín bằng đủ các loại giẻ rách, chiếu rách, cành cây, xung quanh ruồi nhặng bay vo ve, thậm chí còn vứt chỏng trơ chẳng cần che đậy... Đó là góc chợ “hồi sinh” cho hoa quả loại 3, loại 4.  

 


Thấy chúng tôi tỏ ý thắc mắc việc ăn hoa quả hỏng như thế này sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, chị Hòa - chủ mẹt bên cạnh cô T nhanh nhảu bao biện: “Trái cây bị thối mất một góc nên mới có giá rẻ, nhưng gọt bỏ chỗ thối thì vẫn ăn được, ngon như bình thường. Hơn nữa những lúc làm mệt, háo đói, lả người đi, có được quả cam ăn là sướng rồi, thối hay ngon không quan trọng”.

Nhưng thật không may cho chị Hòa là hôm nay mấy người khách lao động cũng chê táo, cam của chị quả thối nhiều quá, nên dù giá chỉ đôi ba nghìn cũng không có ai mua. Sau 30 phút ngồi bán không được, chị Hòa lại nhặt hết “hàng” bỏ vào một túi nylon màu đen rồi vội chào chúng tôi và quẩy gánh lên vai đi về phía nội thành.

Cô T giải thích: “Một nghìn cũng là tiền nên nó (chị Hòa) mang vào bán cho mấy quán làm sinh tố đấy, có bao nhiêu họ cũng lấy hết nhưng chấp nhận bán với giá rẻ hơn ở đây thôi”. Lý do cô T đưa ra thật thuyết phục: “Thời buổi làm ăn khó khăn, ai dại gì lấy hàng xịn về làm đồ uống…”.

Một số chủ xe, tiểu thương trong chợ đầu mối cho biết, trái cây về chợ bao giờ cũng phải phân loại thành hàng xịn loại 1, hàng loại 2 và hàng xấu rẻ tiền thường là những trái bị nẫu, dập nát hoặc có hiện tượng thối. Loại này không thể cân được cho cánh dân buôn nên vứt bỏ hoặc để riêng bán với giá rẻ như cho không. Đến giờ họp chợ hoặc gần tan, họ cặm cụi nhặt trái cây hỏng trong các sọt hàng, dưới lòng đường, thậm chí lục bới trong các thùng rác rồi đem cắt bỏ phần thối mang sang vườn hoa và đường lên cầu ngồi bán dạo.
 

Theo Lao Động

.