Phần lớn diện tích dự án đi vào đất rừng phòng hộ
Theo tìm hiểu của phóng viên thì Dự án giao thông này đã được UBND tỉnh Điện Biên có Quyết định phê duyệt từ năm 2017. Và đến trung tuần tháng 3 năm 2018, chính quyền tỉnh này đã tổ chức tiến hành đấu thầu, cho đến thời điểm hiện tại Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Điện Biên đã làm thủ tục tạm ứng tiền cho các nhà thầu thi công với số tiền lên tới gần 150 tỷ đồng.
Cũng xin nhắc thêm rằng, trong số trên 48Km đường của Dự án chỉ có khoảng trên 3Km là có mặt bằng (nguyên đường dân sinh hiện nay sẽ được nâng cấp lên), còn lại là đường mở mới chưa được giải phóng mặt bằng, trong đó có một phần lớn diện tích đi vào đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Chính ông Nguyễn Minh Tuân- Phó giám đốc Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Điện Biên đã thừa nhận với phóng viên thì phải đến khoảng trung tuần tháng 10 các cơ quan chức năng tỉnh này mới phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, sau đó sẽ thông báo công khai trong khoảng 15 ngày. Và cũng theo ông Tuân, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đã làm xong các thủ tục kiểm đếm, đo đạc. Tuy nhiên, qua xác minh của phóng viên thì tại Thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án này do ông Lê Thanh Bình- Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa ký ngày 25/9/2018 đã ghi rõ: “Thời gian điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm là từ ngày 26/9/2018 đến ngày 26/3/2019”.
Trong một diễn biến khác thì phải đến ngày 14/9/2018, UBND tỉnh này mới có văn bản số 2596/UBND-KTN gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cho dự án được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Và tất nhiên, dự án này chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
|
|
Văn bản của UBND tỉnh Điện Biên gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chuyển đổi rừng. Ảnh: H.L |
Nội dung văn bản này cho biết, trên cơ sở rà soát, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 17 dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích rừng tự nhiên cần chuyển đổi là 226,09 ha. UBND tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn đến năm 2020.
Sẽ xóa sổ 21,48 ha rừng
Đứng thứ 9 trong số 17 dự án mà tỉnh Điện Biên đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, dự án đường Na Sang (Km146+200/QL.12) - TT. Xã Huổi Mí - Nậm Mức (Km 452+300/QL.6) - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng, tỉnh Điện Biên sẽ xóa sổ 21,48 ha rừng, trong đó 9,43 ha rừng phòng hộ và 12,05 ha rừng sản xuất. Việc Thủ tướng Chính phủ có phê duyệt hay không, khi nào phê duyệt thì nằm ngoài khả năng dự liệu của chính quyền tỉnh Điện Biên. Như vậy, dù các nhà thầu được tạm ứng tiền nhưng kế hoạch giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ thực hiện Dự án này còn lơ lửng không biết khi nào mới thực hiện được. Điều đó dẫn đến nguy cơ số tiền được tạm ứng gần 150 tỷ có thể được sử dụng sai mục đích trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, không hiểu vì sao trong Quyết định số 591/QĐ-UBND ngày 29/6/2017 của UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Đường Na Sang (Km146+200/QL.12) - TT. xã Huổi Mí - Nậm Mức (Km452+300/QL.6) - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng, tỉnh Điện Biên (phân đoạn TT. Tủa Chùa - Nậm Mức - Huổi Mí) lại không hề có một dòng nào đề cập đến việc thiết kế dự án đi qua hàng chục ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất (?!!).
|
|
Trụ sở BQL dự án giao thông tỉnh Điện Biên. Ảnh: H.L |
Cụ thể tại mục 11 của Điều 1 về phương án xây dựng trong Quyết định số 591/QĐ-UBND của UBND tỉnh Điện Biên chỉ ghi: Xây dựng tuyến đường dài 48 km trong đó chủ yếu là mở mới đảm bảo các thông số kỹ thuật theo tiêu chuẩn, phương án tuyến phù hợp với quy hoạch phát triển vùng và địa phương đảm bảo hài hòa giữa yếu tố kỹ thuật và kinh tế, giảm thiểu tối đa đến việc chiếm dụng đất canh tác, việc thu hồi đất ở và ảnh hưởng đến tài sản, vật kiến trúc trên đất của nhân dân; một số đoạn tuyến bám theo cơ tuyến của đường dân sinh hiện hữu để hạn chế khối lượng đào mở nền và thuận lợi cho việc kết nối các khu dân cư…
Trước đó, trao đổi với phóng viên báo BVPL, ông Nguyễn Minh Tuân- Phó Giám đốc Ban QLDA GT tỉnh Điện Biên cho biết, dự án này có liên quan đến khoảng 17-18 ha đất rừng, trong đó rừng phòng hộ chiếm khoảng 10ha. Ông Tuân cũng thừa nhận, giờ động đến 1mét đất rừng hay 1 ha đất rừng thì bản chất là như nhau.
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ…
Điều đáng nói là, ngày 29/6/2017, việc thiết kế dự án đường này đã được UBND tỉnh Điện Biên có Quyết định số 591/QĐ-UBND phê duyệt Dự án và được Chính phủ đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền tỉnh Điện Biên sẽ phải phá đi hàng chục ha rừng, trong đó có một phần diện tích khá lớn là rừng phòng hộ (gần 10ha rừng).
Đáng chú ý, trong Thông báo Kết luận ngày 24/8/2018 của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng chỉ rõ, về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án: Tỉnh rà soát chuyển mục đích rừng tự nhiên theo hướng giảm tối đa diện tích, đồng thời hoàn thiện hồ sơ theo quy định gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Điều này phù hợp với mục tiêu bảo vệ rừng khi hiện nay tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên chỉ khoảng 38,5% (thấp nhất vùng Tây Bắc- PV).
Cách làm này của chính quyền tỉnh Điện Biên khiến dư luận khó hiểu vì khi họ đã phê duyệt dự án, tạm ứng tiền cho doanh nghiệp rồi mới “quay ra” xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ theo kiểu sự đã rồi… thì e rằng mục tiêu giảm tối đa việc các dự án xâm lấn đất rừng tự nhiên còn khá xa xôi.
Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Hoàng Long