Ba gói thầu hàng trăm tỷ và những chiêu trò cản trở hồ sơ thầu:
Kỳ 4: Hàng chục tỷ đồng được tạm ứng khi chưa đủ điều kiện thi công
Cập nhật lúc 09:33, Thứ ba, 16/10/2018 (GMT+7)
Không hiểu vì lý do gì mà Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Na Sang nối từ trung tâm xã Huổi Mí – Nậm Mức đến thị trấn Tủa Chùa – Huổi Lóng, tỉnh Điện Biên với tổng mức đầu tư 690 tỷ đồng lại có thiết kế đi qua hàng chục ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất...
Tỉnh Điện Biên vi phạm Chỉ thị 13 của Ban Bí thư?
Trao đổi với phóng viên báo BVPL, ông Nguyễn Minh Tuân- Phó Ban QLDA GT tỉnh Điện Biên cho biết, tại dự án này có liên quan đến khoảng 17-18 ha đất rừng, trong đó rừng phòng hộ chiếm khoảng 10ha. Ông Tuân cũng thừa nhận, giờ động đến 1mét đất rừng hay 1 ha đất rừng thì bản chất là như nhau.
Cả ba gói thầu đều dính đến đất rừng, cụ thể là gói thầu số 01 dính đến đất rừng sản xuất, gói thầu số 2 và gói thầu số 3 dính đến đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Dự án này đang rất vướng mắc vì các nhà thầu yêu cầu bàn giao mặt bằng sạch nhưng hiện nay UBND tỉnh Điện Biên đang tập hợp các dự án để trình Chính phủ, còn khi nào Chính phủ phê duyệt thì nằm ngoài khả năng của Ban. Như vậy, Kế hoạch giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ thực hiện Dự án này còn lơ lửng không biết khi nào mới thực hiện được.
Điều đáng nói là, ngày 29/6/2017, việc thiết kế dự án đường này đã được UBND tỉnh Điện Biên có Quyết định số 591/QĐ-UBND phê duyệt Dự án và được Chính phủ đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền tỉnh Điện Biên sẽ phải phá đi hàng chục ha rừng, trong đó có một phần diện tích khá lớn là rừng phòng hộ (trên 10ha rừng). Và cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng của tỉnh này công nhiên vi phạm Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư?
“…Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư…”.
(Trích điểm 3 Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển đất rừng). |
Cũng xin nhắc thêm rằng, hiện nay tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Điện Biên chỉ khoảng 38,5% (thấp nhất vùng Tây Bắc- PV). Do vậy, việc giữ được rừng hay không trước hết phải do chính quyền các cấp. Điều này đã được Thủ tướng quy định tại Quyết định 245/QĐ-TTg về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp; Quyết định 07/2012/QĐ-TTg, ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng. Nếu nơi nào xảy ra phá rừng nghiêm trọng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Chỉ khi nào thực hiện đúng Quyết định số 07 của Thủ tướng thì rừng Điện Biên mới được bảo toàn.
Hàng chục tỷ đồng được tạm ứng khi chưa đủ điều kiện thi công
Ông Nguyễn Minh Tuân cho biết, hiện nay chưa có Lệnh khởi công của công trình này do chưa đủ các điều kiện cần thiết. Về số tiền tạm ứng thì hiện Ban QLDA GT Điện Biên đã làm xong thủ tục tạm ứng 43.202.141.024 đồng cho Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 và Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển (đơn vị trúng thầu gói 03), còn gói thầu số 01 và gói thầu số 02 thì Ban QLDA GT Điện Biên đang làm thủ tục tạm ứng với số tiền mỗi gói khoảng 50-60 tỷ đồng /gói.
Được biết, hiện trong số trên 48Km đường của Dự án chỉ có khoảng trên 3Km là có mặt bằng (nguyên đường dân sinh hiện nay sẽ được nâng cấp lên), còn lại là đường mở mới chưa được giải phóng mặt bằng, trong đó có một phần lớn diện tích đi vào đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Ông Nguyễn Minh Tuân cũng cho PV biết, khoảng trung tuần tháng 10 sẽ phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng sau đó sẽ thông báo công khai trong khoảng 15 ngày. Và cũng theo ông Tuân, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đã làm xong các thủ tục kiểm đếm, đo đạc. Tuy nhiên, qua xác minh của phóng viên thì tại Thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án này do ông Lê Thanh Bình- Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa ký ngày 25/9/2018 đã ghi rõ: “Thời gian điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm là từ ngày 26/9/2018 đến ngày 26/3/2019”.
Thông báo của ông Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cũng nêu rõ: “Các hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi chịu trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND xã Mường Báng và các đơn vị có liên quan thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc, xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…”
|
|
Hồ sơ dự thầu của các nhà thầu. Ảnh: H.L |
Như vậy, điều gì khiến Ban QLDA GT Điện Biên vội vàng tiến hành tạm ứng cho nhà thầu khi chưa có Kế hoạch giải phóng mặt bằng, không đúng các quy định của pháp luật?
Điều này có dấu hiệu vi phạm khoản 2 Điều 18 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 04 năm 2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng thì “Việc tạm ứng hợp đồng chỉ được thực hiện sau khi hợp đồng xây dựng có hiệu lực, riêng đối với hợp đồng thi công xây dựng thì phải có cả kế hoạch giải phóng mặt bằng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng…”.
Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ những nghi vấn về việc “ưu ái” tạm ứng vốn cho nhà thầu khi chưa đủ các điều kiện thi công cũng như việc phê duyệt Dự án liên quan đến đất rừng phòng hộ mà chưa được sự đồng ý của Chính phủ.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này./.
Hoàng Long