Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra hôm nay (11/1), hiện đã tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gây bức xúc trong nhân dân như sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.

Từ đầu năm 2017 đã không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol, tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh (năm 2018 chỉ còn 0,2%, so với năm 2016 là 1,76%).

leftcenterrightdel
Thủ tướng cho rằng, quyền tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người 

Trong năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc bệnh, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (29,6%), số mắc bệnh giảm 1.478 người (42,6%), số  đi viện giảm 1.135 người (37,2%), số tử vong giảm 9 người (52,9%).

Cũng theo Bộ Y tế, thách thức lớn nhất hiện nay trong vấn đề ATTP đó là sản xuất nhỏ lẻ (với trên 8 triệu hộ) với nhiều nguy cơ về ATTP, nhất là các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ... đòi hỏi phải tiếp tục tuyên truyền vận động và nhất là thúc đẩy việc hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn, chuyên canh, áp dụng quy trình tiên tiến.

Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn hết sức khó khăn. Đặc biệt là thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, giải pháp rất cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác ATTP đến tận cấp xã, để chuyển biến từ cơ sở, từ người sản xuất. Về công tác xử lý, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công an đã phá được vụ buôn lậu thuốc bắc giả quy mô lớn vừa qua.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm phải xử lý nghiêm vi phạm ATTP, không bỏ qua bất cứ vụ việc nào, không chỉ tuyên truyền, giáo dục, vận động. Thời gian qua, nhờ xử lý quyết liệt, mạnh tay mà nhiều vấn đề nóng, bức xúc về ATTP như sử dụng hóa chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật… đã hạ nhiệt.

"Quyền tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người. Công tác bảo đảm ATTP phải được tăng cường, đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Đồng thời, nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm đi đầu, đứng mũi chịu sào của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, Thủ tướng cho rằng, vai trò này cần đề cao hơn nữa. “Nếu truy đến cùng nơi sản xuất thực phẩm, nông sản làm ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc cho người dân thì ngoài người sản xuất trực tiếp, cả chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm”- Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về ATTP, có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế. Đề xuất mô hình tổ chức quản lý ATTP ở địa phương.

Minh Nhật