Dịch vụ ship COD “nở rộ”

Với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử kéo theo việc tăng nhanh loại hình giao hàng nhanh cũng “trăm hoa đua nở”, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Do tâm lí, thói quen của người Việt thích trả tiền khi nhận hàng để đề phòng bị lừa trong thời điểm thật giả lẫn lộn nên hầu hết những đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, hoặc mua hàng online đều ưa chuộng dịch vụ giao hàng thu tiền hộ.

leftcenterrightdel
 Với sự phát triển của dịch vụ thương mại điện tự kéo theo tăng nhanh các loại hình giao hàng nhanh. (Ảnh minh họa trang chủ VIETNAM POST)

Đa số các công ty hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa ở Việt Nam đều cung cấp dịch vụ ship COD, tuy nhiên dịch vụ này có nhiều tên gọi khác nhau như: Dịch vụ phát hàng thu tiền COD, dịch vụ ship hàng COD, vận chuyển thu tiền hộ, vận chuyển thu tiền tận nơi, gửi hàng COD, giao hàng COD, chuyển phát nhanh COD…

Đây là dịch vụ mà người gửi uỷ thác cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu hộ một khoản tiền của người nhận khi phát bưu gửi (hàng hoá) và chuyển trả khoản tiền đó cho người gửi.

Trong số các giao dịch  ở Việt Nam, số lượng đơn hàng nhận qua dịch vụ ship COD chiếm khoảng 90%. Có đến 63% shop dùng thường xuyên dịch vụ này trong năm 2018 và hầu hết khách hàng đều hi vọng giao dịch mua hàng qua hình thức này.

 “Chủ yếu bán hàng online, đảm bảo sự tin tưởng cho khách hàng nên chúng tôi sử dụng dịch vụ ship COD khá thường xuyên, đặc biệt là khách tỉnh lẻ, vùng sâu, vùng xa. Một phần vì khách hàng còn lo ngại chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, phải “sờ tận tay, nhìn tận mắt” sản phẩm, kiểm tra hàng ưng ý mới trả tiền” - Chị Thùy, chủ cửa hàng thời trang Thùy Nhung (Hà Tĩnh) chia sẻ.

Rủi ro đến bất ngờ

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích cho đơn vị bán hàng và người tiêu dùng, dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chị Phương Thị Liễu (SN 1986, trú ở Nà Rị, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) đang rất hoang mang, lo lắng khi gửi hàng qua Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) theo dịch vụ phát hàng thu tiền COD nhưng chưa nhận được lại tiền.

leftcenterrightdel
 Để đảm bảo chất lượng hoa khi đến tay người tiêu dùng, chị lựa chọn hình thức chuyển phát nhanh hàng.

Thông tin về sự việc, chị Liễu cho hay, với niềm yêu thích với hoa lan, cách đây 2 năm chị có tìm tòi học cách trồng lan. Sau thời gian, cứ ghép được giò lan đẹp là chị đăng lên mạng, những người đam mê, có nhu cầu mua thì bán lại.

Vì người mua đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trên cả nước và để đảm bảo chất lượng hoa khi đến tay người tiêu dùng, chị lựa chọn hình thức chuyển phát nhanh hàng.

Qua tìm hiểu, nhờ tư vấn, chị Liễu tin tưởng lựa chọn dịch vụ phát hàng thu tiền COD của Bưu điện Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Ngày 21/11, ngày 23/11 và ngày 30/11, chị Liễu tới Bưu cục Nà Rị gửi một số đơn hàng hoa lan đi cho khác trong đó có đơn hàng cho anh Đ. (xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

 “Trong suốt 2 năm vừa qua, tôi vẫn thường xuyên gửi những giò lan đẹp ra bắc vào nam qua ship COD bưu điện. Nguyên nhân chính tôi chọn hình thức giao hàng này là muốn tạo niềm tin, sự an toàn cho khách hàng. Họ có thể xem, kiểm hàng, nếu ưng ý mới phải trả tiền cho món đồ mình chọn mua.” – Chị Liễu chia sẻ.

Đối với hình thức chuyển phát hàng ship COD, chị sẽ phải thanh toán tiền gửi hàng qua bưu điện ở trên hóa đơn trước, bưu điện thu hộ một khoản tiền khi người mua nhận được hoa và hoàn trả khoản tiền đó lại cho chị. Đơn vị chuyển phát luôn hoàn tiền đầy đủ nên chị rất yên tâm.

Mọi chuyện trước giờ đều “thuận buồn xuôi gió”, cho đến đơn hoa lan chị gửi cuối tháng 11/2019 đi Bình Dương vẫn chưa nhận lại được tiền sau hơn 1 tháng.

Cụ thể, ngày 21/11, ngày 23/11 và ngày 30/11, chị Liễu tới Bưu cục Nà Rị gửi một số đơn hàng hoa lan đi cho khác trong đó có đơn hàng cho anh Đ. (xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

leftcenterrightdel
 Đối với những đơn hàng trước, Bình thường chậm nhất là 4 ngày sau khi gửi đơn đi là tôi đã nhận được tiền hoàn lại.

Đến ngày hoàn tất giao dịch, tất cả các đơn chị gửi cho khách khác đều đã nhận được tiền hoàn lại, chỉ riêng đơn hàng gửi vào Bình Dương cho anh Đ. dù đã quá ngày nhưng vẫn chưa thấy “tin tức” gì.

“Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bình thường chậm nhất là 4 ngày sau khi gửi đơn đi là tôi đã nhận được tiền hoàn lại. Lần này đã 1 tháng rồi…”.

Thông qua trang web của Bưu điện Việt Nam là vnpost.vn, chị Liễu tra cứu xem bưu phẩm, hàng hóa của mình đang được vận chuyển đến đâu thì thông tin hiển thị đơn hàng ngày 30/11 cập nhật lần cuối cùng vào ngày 4/12/2019 là: “Chưa phát được. 23. Người nhận không có nhà/16.người nhận đến lấy/Ghi chú: SMPNhan dl bd vt.”

Sau đó, chị Liễu gọi điện cho anh Đ. thì anh này cho biết đơn hoa ngày 21/11 với tổng số tiền 762 nghìn đồng (đã bao gồm tiền cước là 62 nghìn đồng và tiền cước ship COD là 17 nghìn đồng) đã nhận được vào ngày 25/11. Đơn gửi ngày 30/11,  ngày 4/12, Anh Đ. đã nhận hàng, thanh toán đủ số tiền 5 triệu 128 nghìn đồng (tiền cước 127 nghìn đồng, tiền cước ship COD 61 nghìn đồng) và đã kí nhận vào giấy nhận hàng.

Điều đáng nói hơn, chờ mãi không thấy được hoàn tiền, chị Liễu tới liên hệ với nhân viên Bưu cục Nà Ri (thuộc Bưu điện tỉnh Cao Bằng) để được giải quyết vụ việc.

leftcenterrightdel
 Thông qua trang web của Bưu điện Việt Nam là vnpost.vn, chị Liễu tra cứu quá trình vận chuyển bưu phẩm, hàng hóa của mình.

Nhân viên bưu cục cho biết, theo quy định, thông thường, gửi hàng bưu điện với dịch vụ chuyển phát nhanh EMS thì thời gian gửi hàng là 6h - 12h nếu gửi cùng tỉnh/thành phố và 12h - 48h đối với đơn ship đi tỉnh (thêm 1 - 2 ngày cho các tuyến xã, huyện).

Với trường hợp quá thời gian nhận hoàn tiền ship COD của chị Liễu, phía bưu cục đã gọi tới đơn vị nhận hàng là Bưu cục Nam Tân Uyên (Bưu điện tỉnh Bình Dương) nhờ xác nhận thông tin. Tuy nhiên, chỉ liên lạc được 1 lần và được chấp nhận chuyển hoàn lại tiền của đơn ngày 23/11. Sau đó, khi nhân viên phía Bưu cục Nà Rị liên tục gọi để hỏi về hai đơn hàng ngày 21/11 và 30/11 thì không có ai nhấc máy.

leftcenterrightdel
 Đơn hàng ngày 30/11 cập nhật lần cuối cùng vào ngày 4/12/2019 là: “Chưa phát được. 23. Người nhận không có nhà/16.người nhận đến lấy/Ghi chú: SMPNhan dl bd vt.”

Nhân viên Bưu cục Nà Ri cũng thông  tin thêm với chị Liễu, đơn vị này đã gửi khiếu nại đi được vài ngày và đang chờ phía Bưu điện Bình Dương xác nhận.

“Tình trạng sức khỏe tôi thường xuyên ốm đau, lại nuôi con nhỏ, mọi chi  tiêu sinh hoạt chủ yếu là từ bán hàng online. 5 triệu đối với mẹ con tôi là số tiền lớn. Nấu phía bưu điện không chịu trách nhiệm thì tôi coi như “trắng tay”… Tôi hi vọng phía bưu điện có trách nhiệm với khách hàng, xác mình làm rõ sự việc để tôi sớm nhận được lại số tiền. Qua đó, tạo niềm tin cho khách hàng, khách hàng không phải lo lắng khi sử dụng các dịch vụ chuyển hàng mình có bị mất tiền hay không.” – chị Liễu chia sẻ.

Thực tế, dịch vụ COD không người bán nào mong muốn, chỉ vì người mua thích nên người bán phải chấp nhận. Đối với các chủ shop, khi sử dụng dịch vụ này, tỷ lệ hàng hoàn cao hơn, nhiều khi không những phải nhận lại hàng mà phải mất phí ship gấp đôi. Hoặc, nếu lựa chọn công ti không uy tín, người bán là có thể mất trắng số tiền hàng...

leftcenterrightdel
 Chị Liễu trao đổi xác nhận thông tin với anh Đ. thì anh này cho biết đơn hoa gần nhất ngày 30/11  đã nhận, trả 5 triệu  và gửi kèm hình ảnh cây hoa đã được trồng.

Bên cạnh đó, một đơn hàng giao-nhận thành công, vì cả 2 bên cần phải đối soát lại đơn hàng nên hãng vận chuyển sẽ giữ tiền hàng trong một số ngày nhất định rồi mới thanh toán lại cho bên bán.

Chưa kể đến trường hợp, không ít công ty giao hàng nhanh làm ăn mập mờ, thu hộ tiền của đối tác nhưng “ngâm” từ vài tuần đến cả tháng mới trả. Không chỉ bị mất tiền nếu công ty chuyển phát bất ngờ ngừng hoạt động, chủ shop bị nợ tiền rơi vào tình trạng như “ngồi trên đống lửa” bởi hàng kẹt lại, số tiền bị nợ thì không biết bao giờ được thanh toán.

Đặc biệt, trường hợp đầu tháng 9/2018, Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh GNN Express bất ngờ thông báo dừng hoạt động cùng khoản nợ 5,5 tỷ đồng. Trước cơ quan pháp luật, đại diện doanh nghiệp đưa ra lí do, công ti lâm vào tình trạng không cân đối được thu chi dẫn tới hành vi Lạm dụng tín nhiệm gây chiếm đoạt do các quyết định chỉ đạo sử dụng COD của khách hàng cho các hoạt động công ty với tổng số tiền là 5,5 tỷ đồng. Sự việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các chủ hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ này.

Được biết, hiện nay cũng có quy định cụ thể về việc khi cầm tiền COD của khách hàng, nếu chiếm dụng, lạm dụng thì sẽ bị xử lý như thế nào. Do đó khó tránh khỏi những rủi ro nhất định, người tiêu dùng và chủ shop cần hết sức tỉnh táo. Để hạn chế rủi ro, các chủ shop đưa ra kinh nghiệm nên làm ăn với những hãng chuyển phát nhanh lớn, thời gian đối soát COD nhanh…

 

Bá Thanh - Lê Tâm