Xem kết quả giám sát ô nhiễm thực phẩm của các ngành chức năng được công bố vào sáng 17-12, với hơn 90% mẫu đạt tiêu chuẩn, còn số không đạt chỉ đếm trên đầu ngón tay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nói: Kết quả thấy “vui” dễ sợ, nhưng có ai dám cam kết với tôi vấn đề an toàn thực phẩm như vậy đã đủ yên tâm?

 

 

Thực phẩm được quản lý bởi 3 ngành: NN&PTNT, Công thương và Y tế. Việc phân mặt hàng quản lý có vẻ rất rạch ròi như: Nông nghiệp quản lý rau, củ, quả, nguyên liệu gia súc, gia cầm, thủy hải sản; Công thương quản lý bia, nước giải khát, sữa, dầu ăn, bột, tinh bột và các sản phẩm không bao gói như bún, mì, phở; Y tế quản lý phụ gia thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các bếp ăn.

 

Tuy nhiên, mọi khâu quản lý hiện nay chỉ thực hiện ở phần ngọn, tức là khi sản phẩm đã ra đến tay người tiêu dùng mới có thể giám sát được là tốt hay xấu; còn phần gốc là khâu sản xuất, lưu thông thì hầu như không ngành nào bảo đảm.

 

Theo các cơ quan phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), lý do khiến việc quản lý gần như… bó tay là vì có đến 80% lượng thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn thành phố được nhập từ các nơi về, riêng mặt hàng rau, củ, quả có đến 95% hàng nhập khẩu từ 6 vùng khác nhau.

 

Trong khi đó, chúng ta chưa thực hiện được liên kết vùng nên nơi tiêu thụ (Đà Nẵng) và nơi sản xuất (các tỉnh, thành phố và các quốc gia khác) gần như chẳng biết gì về nhau.

 

Từ năm 2012, Đà Nẵng được quy hoạch vùng rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap với diện tích 70ha, nhưng chỉ giúp cung cấp 5% lượng rau cho thành phố.

 

Hải sản do ngư dân Đà Nẵng đánh bắt cũng chỉ chiếm chưa đến 1/3 so với nhu cầu tiêu thụ. Thành phố có 8 lò mổ nhưng nguồn cung thịt các loại chủ yếu vẫn phải nhập.

 

Đối với thực phẩm đã nấu chín, việc quản lý cũng bị “kêu khó” trăm bề, đặc biệt trong việc kiểm soát thức ăn đường phố và các dịch vụ nấu đám. Chi cục ATVSTP thành phố cho rằng, các nhà hàng dịch vụ ăn uống có đăng ký kinh doanh còn có thể quản lý, nhưng với hàng rong, thức ăn lề đường thì không quản nổi.

 

“Thức ăn đường phố hiện được giao về các phường quản lý, nhưng chỉ làm qua loa chứ cấp thành phố còn làm không xong thì cấp phường sao đủ khả năng truy xuất nguyên liệu, lấy mẫu, v.v…

 

Trong con bún được bày bán ở lề đường có chất cấm làm trắng và làm dai hay không, cán bộ phường chịu! Hơn nữa, phường cũng không cấp giấy gì cả nên không có chế tài xử lý. Ngoài ra, dịch vụ nấu đám bây giờ cũng bị thả nổi”, một cán bộ cấp quận chia sẻ.

 

Xử lý quá nhẹ

 

Hiện nay, Đà Nẵng có 2 trung tâm được trang bị phương tiện kiểm soát ô nhiễm thực phẩm gồm Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và Trung tâm Kiểm nghiệm thành phố, nhưng một số trang thiết bị đã lạc hậu.

 

Hơn nữa, quan trọng nhất vẫn là kinh phí để kiểm nghiệm thực phẩm. Cần có ít nhất từ 2-4 triệu đồng để kiểm nghiệm 1 mẫu rau xem có đạt chất lượng an toàn thực phẩm hay không và thời gian chờ kết quả trung bình mất 1 tháng.

 

Tiền đâu kiểm nghiệm và giải quyết việc “găm” hàng như thế nào trong thời gian chờ kết quả, khi rau củ nói riêng, thức ăn liền tươi sống nói chung không thể để dài ngày là bài toán được đặt ra từ lâu nhưng mãi chưa có lời giải.

 

Khi xác định sản phẩm hoặc cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, việc xử phạt cũng chưa “xi nhê”. Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an thành phố cho biết, đầu năm đến nay, Cảnh sát Môi trường thành phố đã bắt được 18 vụ liên quan đến mất ATVSTP, nhưng khung xử phạt quá nhẹ, chỉ từ 3-10 triệu đồng, nên chưa đủ sức răn đe.

 

Vừa qua, cảnh sát bắt quả tang một đơn vị giết mổ không giấy phép trên địa bàn quận Liên Chiểu, dù quyết định xử phạt do Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ ký nhưng đã 60 ngày trôi qua mà chủ cơ sở này vẫn chây ỳ không chấp hành.

 

“Phải nhận thức đây là hành vi giết người, cần xử phạt hành chính hết khung, không chấp nhận cù nhầy và đề nghị truy tố những trường hợp vi phạm pháp luật”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo ngành Công an. Trong trường hợp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa bẩn bày bán trong siêu thị, ông Dũng đề nghị: “Phải quy trách nhiệm chính cho giám đốc siêu thị. Tôi mua hàng của ông có nghĩa là tôi giao trách nhiệm kiểm soát nguồn đầu vào cho ông. Nếu ông không kiểm soát được thì tôi đóng cửa siêu thị của ông. Phải quyết liệt người ta mới không dám nhập hàng bẩn”.

 

Những việc cần làm ngay

 

Tại buổi làm việc với các sở, ngành chức năng về ATVSTP sáng 17-12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng khẳng định: Muốn xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố an bình, ngoài vấn đề về an ninh trật tự, rất cần phải bảo đảm chất lượng thực phẩm. Có như vậy, người dân và du khách mới an tâm đến và sinh sống nơi đây.

 

Ông Dũng chỉ đạo 3 việc cần làm ngay trong tuần đến gồm: kiểm soát thực phẩm ở các khu vực xuất sản phẩm như chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, siêu thị, nhà hàng; xác định loại thực phẩm gì, rau củ gì cần kiểm tra tập trung; kiểm tra các đối tượng có nguy cơ cao gây mất ATVSTP. Việc kiểm tra cần được phân công rõ ràng, không để chồng chéo.

 

Về lâu dài, thành phố giao Sở NN&PTNT chủ trì xây dựng đề án về kiểm soát ATVSTP. Sở cũng phải quy hoạch lại vùng sản xuất sạch gồm rau, củ, quả và vùng chăn nuôi để tăng khả năng cung ứng cho thành phố; tiên phong ứng dụng công nghệ sinh hoạt trong phát triển nông nghiệp; nghiên cứu chu trình thực phẩm sạch từ nông trại đến bàn ăn; công bố các vùng rau sạch và thực phẩm sạch cho nhân dân biết.

 

Sở Công thương khảo sát lại tất cả các cơ sở chế biến, kể cả những nơi do quận, huyện quản lý để có đánh giá toàn diện về ATVSTP. Kiên quyết xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm và siết chặt quản lý khâu phân phối lưu thông.

 

Với Sở Y tế, lãnh đạo thành phố yêu cầu tìm cho được giải pháp kiểm tra mẫu thực phẩm nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, để hạn chế tình trạng đợi cả tháng mới có kết quả một mẫu kiểm nghiệm. Trong kế hoạch tuyên truyền sắp đến, ngành phải công bố rộng rãi tên cơ sở làm tốt và không tốt về ATVSTP.

 

Theo Báo Đà Nẵng

.