Sự thay đổi... luẩn quẩn?

Từ ngày 6/9 đến 21/9, Hà Nội phân theo 3 vùng để chống dịch COVID-19. Theo TP Hà Nội, việc phân vùng nhằm mục đích ngăn chặn lây lan dịch bệnh và tập trung nhân lực, vật lực đề phòng chống dịch ở khu vực nguy cơ cao; tập trung có trọng tâm để xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao.

leftcenterrightdel
Hà Nội kiểm soát chặt người dân ra vào "vùng đỏ" qua giấy đi đường. Ảnh: H.Nguyên
Nhằm thắt chặt thực hiện giãn cách xã hội ở “vùng đỏ” (phân vùng 1), TP Hà Nội giao CATP phối hợp với các lực lượng chức năng thiết lập 39 chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào “vùng đỏ”, đồng thời cũng giao CATP chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn, hướng dẫn và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn thành phố.

Trước đó, cách đây gần 1 tháng, nhằm thắt chặt, hạn chế người dân ra đường trong thời điểm giãn cách xã hội, Hà Nội yêu cầu giấy đi đường phải có xác nhận của chính quyền địa phương, và ngoài giấy đi đường, người dân phải có căn cước công dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị… Quy định này ngay lập tức nhận được phản ứng tiêu cực của công luận. Thực tế sau đó cho thấy, việc kiểm tra các loại giấy tờ trên đã khiến tình trạng ách tắc giao thông xảy ra trên nhiều tuyến đường ngay trong buổi sáng đầu tiên thực hiện. Và sau đó, Hà Nội đã phải điều chỉnh quy định này.

Ngày 3/9, CATP Hà Nội có văn bản gửi Chủ tịch các quận, huyện, thị xã, phường, xã thị trấn, về việc chuẩn bị các điều kiện cần, sẵn sàng phối hợp với CATP trong triển khai phần mềm “cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện”.

Đến sáng 5/9, CATP Hà Nội mới có thông báo chính thức về đối tượng, trình tự thủ tục duyệt cấp giấy đi đường có nhận dạng, thẻ đi mua hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong phân vùng 1.

Theo đó, các đối tượng là tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu gồm: Cán bộ, công chức, công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu, thẩm quyền cấp giấy đi đường thuộc về Phòng CSGT CATP.

Các đối tượng là các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu: Các cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu, thẩm quyền cấp giấy đi đường thuộc về công an xã, phường, thị trấn.

Theo Công an TP Hà Nội, mẫu giấy đi đường mới sẽ được áp dụng thực hiện từ ngày 6/9, điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, lại một lần nữa phải vất vả, chạy đôn chạy đáo trước quy định này.

“Chóng mặt” vì... giấy đi đường 

Để có mẫu giấy đi đường mới cấp cho cán bộ, nhân viên sử dụng từ ngày 6/9, ngay trong ngày Chủ nhật (5/9), các doanh nghiệp đã phải "vắt chân lên cổ" triển khai các bước đề nghị xét duyệt và xin cấp giấy, mà mỗi bước đều phải qua các cơ quan quản lý mà bấy lâu nay vẫn được mệnh danh "hành là chính".

leftcenterrightdel
Hà Nội nhiều lần thay đổi các quy định về giấy đi đường khiến các doanh nghiệp "chóng mặt". (ảnh: H.Nguyên) 
Bà N.T.V.A, Giám đốc Công ty thực phẩm T.T – đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm sạch, suất ăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, ngay khi nhận được thông tin, doanh nghiệp đã lập danh sách nhân viên liên hệ với Công an khu vực để đăng ký, làm thủ tục xin cấp giấy đi đường mẫu mới.

"Hôm qua (4/9), tôi đã liên hệ với cơ quan Công an và chính quyền phường sở tại để gửi hồ sơ làm thủ tục xin cấp giấy đi đường cho nhân viên. Tuy nhiên, Công an phường trả lời vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Đến sáng nay, chúng tôi nhận được văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn nhưng cũng chỉ chung chung không cụ thể”, bà V.A cho biết.

Theo bà V.A, từ khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp của bà rất sợ, do đặc thù của doanh nghiệp là kinh doanh thực phẩm, bán hàng ở nhiều địa điểm, lần trước, công ty đã phải vất vả, chạy đôn, chạy đáo để làm giấy đi đường, nhưng khi nhân viên đi giao hàng cho khách vẫn có trường hợp bị phạt, lý do là, giấy đi đường chỉ áp dụng để đi từ nhà đến công ty, không được vận chuyển hàng hóa.

“Chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, có một lực lượng nhân viên đi giao hàng, nếu chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên đi từ nhà đến công ty mà không cấp giấy vận chuyển hàng hóa thì doanh nghiệp biết phải làm thế nào? Dù đã gửi hồ sơ và danh sách để đăng ký xin cấp giấy đi đường nhưng đến nay công ty tôi chưa nhận được hướng dẫn từ Công an và UBND phường”, bà V.A phàn nàn.

Tối 5/9, trao đổi với phóng viên, chị H, Phòng nhân sự Công ty bưu chính V. cho biết, chiều 5/9, chị đã tổng hợp và gửi danh sách nhân viên giao hàng sang Sở Thông tin - Truyền thông (TT &TT)  Hà Nội.

Chị H. cho biết: “Chúng tôi là doanh nghiệp bưu chính vì vậy, đầu mối gửi danh sách xin cấp Giấy đi đường là Sở TT&TT. Chiều nay, tôi đã gửi danh sách đăng ký xin cấp rồi. Các anh chị bên Sở TT&TT cũng hỗ trợ nhiệt tình. Cuối giờ chiều nay, các anh chị ấy báo lại rằng Sở đã gửi danh sách của công ty chúng tôi sang CATP Hà Nội”.

“Hiện, mới đang ở giai đoạn Sở TT&TT gửi hồ sơ, danh sách sang CATP để bên đó duyệt và cấp. Còn ngày mai, bên CATP có duyệt và cấp xong cho công ty hay không thì tôi cũng chưa biết. Tuy nhiên, hôm nay thì chắc chắn là không xong được rồi” chị H. cho biết thêm.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, ngày 6/9 sẽ áp dụng thực hiện mẫu giấy đi đường mới, mà hiện giờ công ty vẫn chưa nhận được giấy đi đường để phát cho cho cán bộ, nhân viên. Vậy, ngày mai công ty có làm việc hay là cho cán bộ, nhân viên nghỉ? Chị H. trả lời: “Đến giờ tôi cũng chưa nhận được thông báo hướng dẫn về việc này”.

Theo chị H., Hà Nội ra văn bản triển khai vào ngày lễ, tiếp đến là ngày nghỉ cuối tuần, thời gian triển khai thực hiện quá gấp gáp nên không riêng gì công ty của chị mà nhiều doanh nghiệp khác cũng gặp không ít khó khăn, có những doanh nghiệp còn không biết xoay xở kiểu gì. “Nếu ngày mai mà thành phố áp dụng giấy đi đường mẫu mới thì không riêng gì công ty tôi mà có lẽ rất nhiều doanh nghiệp khác cũng không thể xin kịp”, chị H. nhận định.

Chỉ trong hơn 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội mà Hà Nội đã nhiều lần thay đổi việc cấp giấy đi đường khiến nhiều doanh nghiệp phải "chóng mặt" bởi dịch bệnh kéo dài đã khiến doanh nghiệp khó khăn, vất vả lắm rồi thì bây giờ lại phải vất vả khi nhiều lần phải chạy đôn, chạy đáo để xin cấp Giấy đi đường.

Nhiều người cho rằng, giấy đi đường chỉ là một trong nhiều biện pháp trong công tác phòng, chống dịch và nó không phải là yếu tố tiên quyết. Vì thế, Hà Nội không nên tốn quá nhiều công sức vào việc cấp giấy đi đường, việc này không chỉ gây thêm khó khăn cho người dân và các doanh nghiệp mà còn giảm đi nguồn nhân lực để thực hiện rất nhiều việc khác trong công tác phòng, chống,  đẩy lùi dịch bệnh.

MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG CÒN BAN HÀNH HƯỚNG DẪN KHÁC VỚI TRUNG ƯƠNG

Chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì họp trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn…

Trong báo cáo tại cuộc họp này, Ban Chỉ đạo Quốc gia nêu một trong những vấn đề tồn tại, thách thức trong chống dịch là vẫn còn một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ… khi ban hành các quy định phòng, chống dịch theo thẩm quyền, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, chưa cân nhắc kỹ lưỡng một số mặt như cách làm, thời điểm thực hiện, việc đánh giá tác động và chuẩn bị truyền thông. Vì thế, việc này đã nên gây bức xúc trong dư luận.

Một số địa phương còn ban hành các hướng dẫn khác với Trung ương chưa kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia.

 

NGÀY 6 VÀ 7/9 MỚI CHỈ NHẮC NHỞ LÀ CHÍNH

Tối 5/9, thông tin tại cuộc họp Giao ban Sở Chỉ huy Thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, biện pháp cấp giấy đi đường là vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ, quan điểm mục tiêu quản lý vùng 1 thực chất hơn, giảm lượng người ra đường, tuy nhiên Thành phố cũng xác định làm quyết liệt nhưng không cầu toàn. Để chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong 2 ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng của Thành phố chỉ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt đối với những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng. Khi vận hành các chốt, vùng 1, 2, 3 thì Thành phố sẽ tiến hành theo cách linh hoạt, chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở, đồng thời từ thực tế việc lưu thông của người dân theo giấy đi đường mới sẽ đánh giá, phân tích để đưa ra biện pháp tối ưu.

Người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ Tổng đài 1022 - Nhánh 4 để được hướng dẫn cụ thể.

 


H.Nguyên