Cụ thể, tháng 7/2022, lực lượng chức năng gồm Quản lý thị trường (QLTT), Công an, Hải quan TP. Hà Nội đã kiểm tra 3.625 vụ; xử lý 3.464 vụ, trong đó, hàng cấm, hàng lậu 327 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 117 vụ; gian lận thương mại 3.020 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 151,783 tỷ đồng; khởi tố 09 vụ, với 09 đối tượng. Tổng thu nộp ngân sách nhà nước 450,175 tỷ đồng.
Được biết, hàng hóa vi phạm chủ yếu là các nhóm mặt hàng như: thuốc lá, quần áo, đồ thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm. Đáng chú ý, tình hình kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
|
|
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá vi phạm tại Hoài Đức, Hà Nội |
Điển hình như: Đội QLTT số 20 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Phúc Thọ kiểm tra, phát hiện 1.509 chiếc áo chống nắng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, 1.494 chiếc áo chống nắng mang nhãn hiệu Louis Vuitton, 1.012 chiếc áo chống nắng mang nhãn hiệu Adidas không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ tại Việt Nam; Đội QLTT số 06 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa là trang thiết bị y tế có nhãn hàng hóa giả mạo về nguồn gốc xuất xứ. Hàng hóa vi phạm gồm 236.600 lọ bên trong chứa 01 chiếc kính áp tròng và dung dịch, 70 kg tem, nhãn có chữ Made in Korea, 01 chiếc máy dán nhãn…
Trong tháng 7/2022, Cục QLTT Hà Nội đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Thành phố triển khai, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện các chỉ đạo của cấp trên trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Ban hành các văn bản chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, vi phạm về niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết; bày bán công khai hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Công an thành phố Hà Nội, chỉ đạo lực lượng các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu trên địa bàn; Tập trung đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Kịp thời điều tra làm rõ, đề nghị truy tố các vụ án liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do các cơ quan chức năng khác chuyển đến.
Riêng tháng 7/2022, Công an Thành phố Hà Nội phát hiện, bắt giữ 173 vụ, xử lý 239 vụ (trong đó xử lý 66 vụ tồn). Xử phạt hành chính 3,334 tỷ đồng; truy thu thuế 19,817 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 3,172 tỷ đồng. Khởi tố 09 vụ, với 09 đối tượng.
Cục Hải quan TP. Hà Nội thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tăng cường công tác thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm Hải quan quản lý; Tập trung kiểm tra các mặt hàng trọng điểm như hàng cấm (ma túy, vũ khí, sản phẩm động vật hoang dã, văn hóa phẩm phản động, linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng), hàng xuất nhập khẩu có điều kiện (dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, tiền, kim loại quý, xăng dầu, máy móc, thiết bị y tế đã qua sử dụng), hàng có thuế suất cao (thuốc lá, rượu, bia, điện thoại di dộng), hàng hóa tiêu dùng như bánh kẹo, thực phẩm đông lạnh, gia súc, gia cầm.
Trong tháng 7/2022, Cục Hải quan Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ 108 vụ; xử lý 108 vụ, trong đó có 19 vụ vi phạm về vận chuyển ma túy, xử phạt hành chính 3,329 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm 1,42 tỷ đồng.
|
|
Kiểm tra hàng hoá vi phạm trên địa bàn Hà Nội |