Với trên 3.260 km đường bờ biển và trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo. Hiện tại nước ta có tất cả 28 tỉnh, thành phố giáp biển, 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo. Thống kê cho thấy, năm 1990, cả nước có khoảng 41.000 tàu khai thác thủy sản với tổng công suất máy 727.500 CV, khai thác chủ yếu vùng biển ven bờ, sản lượng khai thác 672.000 tấn. Đến nay, tổng số tàu cá trên toàn quốc có trên 110.950 tàu, sản lượng khai thác đạt hơn 3 triệu tấn, trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, chiếm hơn 43,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tạo công ăn việc làm cho khoảng 650.000 lao động trực tiếp trên biển và hàng triệu lao động dịch vụ trên bờ. Và mới đây, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 7/2018 ước đạt 663 triệu USD; lũy kế 7 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 4,66 tỷ USD. Như vậy, để đạt được mục tiêu ban đầu 9 tỷ USD cả năm 2018, cũng như mốc phấn đấu 10 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra xem ra khó có thể hoàn thành.
Trong khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tập trung vào 3 mặt hàng chính chiếm tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu cao, lần lượt là: tôm, cá tra và cá ngừ. Nếu 1 trong 3 mặt hàng này, nhất là tôm có sự trồi sụt về kim ngạch, ngay lập tức ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Thuỷ sản. Trong điều kiện tình hình xuất khẩu thủy sản những tháng vừa qua có rất nhiều biến động liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu, làm suy giảm kim ngạch xuất khẩu ở các thị trường chính, như: Trung Quốc, Nhật Bản kể cả thị trường Mỹ do liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về nguồn cung tôm dư thừa... Đặc biệt, việc EC áp dụng biện pháp “thẻ vàng” đối với thủy sản đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU) đã có những tác động bất lợi cho Việt Nam.
Trong điều kiện thực tế của chúng ta hiện nay, tâm lý và thói quen của ngư dân đánh bắt thủy sản vẫn theo cách truyền thống. Việc chấp hành quy định, quy chuẩn trong hoạt động của một bộ phận không nhỏ ngư dân còn bị xem nhẹ, có biểu hiện coi thường pháp luật. Do vậy, vẫn còn tình trạng đánh bắt kiểu tận diệt, kể cả mùa sinh sản và có những trường hợp đánh bắt trái phép ở vùng biển của nước ngoài, không chứng minh được nguồn gốc. Những vi phạm này nếu không được khắc phục triệt để, kịp thời thì chuyện từ “thẻ vàng” đến ... “thẻ đỏ” sẽ không là xa nữa và khi đó rất nhiều hệ lụy xấu, bất lợi khác mà ngành Thủy sản phải đối mặt.
Những việc mà chúng ta phải làm ngay, đó là: Kịp thời có biện pháp khắc phục việc cấp chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác, tránh những sai sót, không rõ ràng; tổ chức và triển khai có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, xác định rõ tàu cá của ta có vi phạm vùng biển nước ngoài để có biện pháp phòng ngừa và xử lý vi phạm; xem xét, bổ sung và áp dụng các mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU cho tương xứng với lỗi vi phạm, tạo được sự răn đe, tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, bên cạnh các biện pháp mang tính quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát tàu và thực thi pháp luật chặt chẽ; truy xuất được nguồn gốc hàng hóa rõ ràng… thì biện pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân nói chung và ngư dân nói riêng phải được quan tâm và triển khai quyết liệt, sâu rộng và thường xuyên tới ngư dân để tạo được sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với ngư dân. Chỉ khi đó, ngành Thủy sản ta mới mong gỡ được “thẻ vàng”, có được “thẻ xanh” và tự tin bước vào “sân chơi” chung của quốc tế và mang lại những kết quả “ích nước, lợi nhà” như chúng ta mong đợi.
H.C