Giải pháp căn cốt để thoát "thẻ vàng" lĩnh vực thủy sản
Cập nhật lúc 14:32, Thứ ba, 12/12/2017 (GMT+7)
Trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ tháng 12/2017 về sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đối với giải pháp căn cốt để thoát “thẻ vàng”, không bị rút “thẻ đỏ” trong 6 tháng tới của EU về lĩnh vực thuỷ sản, Thứ trưởng NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch hành động với những giải pháp cụ thể, chi tiết để thực hiện 9 khuyến cáo của EU đối với thuỷ sản. Để EU rút lại “thẻ vàng” thì thuỷ sản Việt Nam phải hoàn thành cả 9 khuyến cáo, nhưng có 3 nhóm giải pháp cần tập trung nhiều hơn.
Thứ nhất, chúng ta cần hoàn thiện thể chế phù hợp với quy định của quốc tế, trong đó có EU. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Luật Thuỷ sản (sửa đổi) đã được thông qua, trong đó chúng ta đưa vào tối đa các khuyến cáo của EU. Bộ NN&PTNT cũng đang khẩn trương triển khai sửa các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thuỷ sản.
|
|
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Nhóm vấn đề thứ hai là năng lực thực thi của hệ thống quản lý nhà nước và ngư dân. Đây là vấn đề yếu nhất của chúng ta và không thể đáp ứng ngay trong thời gian ngắn, nhưng chúng ta cũng sẽ cố gắng làm những việc cấp bách trước mắt để vượt qua. Trong thực thi, chúng ta phải thực hiện nghiêm Công điện 32 của Thủ tướng Chính phủ là chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân khai thác bất hợp pháp trên vùng biển các nước. Vừa qua, các địa phương đã triển khai quyết liệt vấn đề này. Từ tháng 7 đến nay, tình trạng vi phạm đã giảm. Đặc biệt, là ở Quảng Ngãi, địa phương có nhiều tàu cá vi phạm nhất thì từ tháng 7 đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp vi phạm nào.
Nhóm giải pháp thứ ba là công tác tuyên truyền để hệ thống quản lý nhà nước về thuỷ sản, các DN và đặc biệt là các chủ tàu, ngư dân hiểu được những nội dung chống đánh bắt bất hợp pháp, báo cáo không theo quy định là như thế nào trong thực tiễn. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho toàn xã hội cũng như hệ thống chính trị của chúng ta hiểu được và hành động. Bộ NN&PTNT đã ký hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam, một số cơ quan báo chí để triển khai cụ thể chiến dịch truyền thông.
Trong truyền thông cũng phải tăng cường đối thoại bởi EU vẫn chưa thừa nhận những nỗ lực của Việt Nam trong tiếp thu các khuyến cáo đưa vào Luật Thuỷ sản (sửa đổi).
“Trong ba nhóm giải pháp này thì năng lực thực thi là quan trọng nhất vì EU muốn chúng ta hành động cụ thể, chuyển biến trên thực tế” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định.
Trước đó, ngày 23/10, Ủy ban châu Âu (EU) đã chính thức rút "thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, với lý do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp. Theo quyết định này, sau 6 tháng, nếu Việt Nam không khắc phục được sẽ bị “rút thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc hải sản của Việt Nam không còn đường vào EU.
Mai Hòa