Chi hơn 102 tỷ đồng để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản
Cập nhật lúc 22:57, Thứ hai, 08/05/2017 (GMT+7)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa quyết định phê duyệt "Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế" với tổng kinh phí 102,2 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước 40 tỷ đồng, huy động từ các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế 62,2 tỷ đồng. ( cạnh tranh , năng lực, ngành thủy sản, tỷ đồng )
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa quyết định phê duyệt “Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế” với tổng kinh phí 102,2 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước 40 tỷ đồng, huy động từ các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế 62,2 tỷ đồng.
Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai các Hiệp định Thương mại tư do (FTA) phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nội dung chính của Đề án là rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cùng với các quy định chặt chẽ về sản xuất từ nuôi trồng thủy sản (giống, thức ăn, thuốc phòng trừ bệnh...) đến chế biến xuất khẩu ra thị trường (nguyên liệu vào nhà máy, chế biến, đóng gói bao bì...).
Điều chỉnh và bổ sung quy định về nhập khẩu sản phẩm thủy sản và nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu phù hợp với chuẩn mực quốc tế được Việt Nam thỏa thuận trong các FTA.
Bên cạnh đó, bổ sung vào hệ thống tiêu chuẩn thủy sản các quy định về truy xuất nguồn gốc, quy định trách nhiệm bảo quản, chế biến và tiêu thụ xuất khẩu, quản lý một cửa chuyên nghiệp được chấp nhận trong các hiệp định FTA trên nền tảng tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới nhằm nâng cao năng lực quản lý và khả năng hội nhập của ngành thủy sản.
[Xuất khẩu thủy sản ước đạt kim ngạch 1,5 tỷ USD trong quý đầu năm]
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI phục vụ phát triển thủy sản ở cả ba vùng nước ngọt, lợ và mặn. Sản xuất các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế cao; các chế phẩm vi sinh để xử lý nước trong môi trường thủy sản; các loại thức ăn đặc thù cho từng loại thủy sản nuôi.
Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho khai thác xa bờ như sản xuất các loại ngư cụ khai thác có chọn lọc một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ xuất khẩu; sửa chữa, cải tạo và đóng mới tàu khai thác xa bờ với trang thiết bị và ngư cụ phù hợp hơn.
Ngoài ra, tận dụng lợi thế về thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, tiềm năng theo lộ trình giảm thuế tại các thị trường có FTA với Việt Nam và mở rộng các thị trường tiềm năng. Đồng thời, nâng cao năng lực giải quyết các rào cản kỹ thuật trong thương mại thủy sản quốc tế.
Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực và ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đi sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xây dựng thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trước mắt, tập trung xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, thương hiệu cá tra Việt Nam và thương hiệu cá ngừ Việt Nam đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế, gắn với chỉ dẫn xuất xứ địa lý của Việt Nam./.
Theo Thành Trung/TTXVN/Vietnam+
.