Bước ngoặt của ngành Thủy sản
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám - Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Thủy sản khẳng định: Luật đã kế thừa các thành tựu của Luật Thủy sản năm 2003 và sẽ tạo bước đột phá trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản – một phương thức quản lý mới được nhiều quốc gia tiếp cận để quản lý hoạt động thủy sản, đặc biệt là bảo vệ, quản lý nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới. Luật Thủy sản đã khắc phục được những hạn chế của luật hiện hành và sẽ có tác động lớn, tích cực đến đời sống ngư dân và người dân sống gần biển.
|
|
Luật Thủy sản năm 2017 được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản |
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, điểm rõ nhất của Luật Thủy sản là xây dựng theo hướng tiếp cận mới phù hợp với hội nhập quốc tế, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản, cải cách hành chính và biến đổi khí hậu. “Đây là luật chuyên ngành chi tiết, những quy định trong luật được cơ bản thông qua. Có một số nội dung sẽ giao Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến trước ngày 1/1/2019 sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn này. Đây là bước ngoặt của ngành thủy sản, tổ chức lại, phát triển có bền vững”, Thứ trưởng nói.
Đáng chú ý, Luật Thủy sản đã Luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trong đó có khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Nội dung này theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Thủy sản Bộ NN&PTNT, hiện đã được quy định trong các điều và các chương của Luật.
Theo đó, Luật Thuỷ sản đã được sửa đổi dựa trên các nguyên tắc của Công ước Luật biển 1982, Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO, Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc, Bộ luật nghề cá có trách nhiệm của FAO, Kế hoạch hành động quốc tế của FAO về khai thác IUU, Hướng dẫn của FAO về thực hiện trách nhiệm quốc gia treo cờ, tập trung vào 9 khuyến nghị của EC, các khuyến nghị đó được thể hiện trong các nội dung sau:
Một là, quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá; Quy định nội dung quản lý đầu ra theo hạn ngạch các loài di cư và các loài có tính kết đàn.
Hai là, quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng; quy định thu hồi giấy phép khai thác đối với các nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam; quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, không có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên trong đó tàu 24 m trở lên phải có giám sát hành trình cập nhật tự động.
Ba là, quy định trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định do Bộ NN&PTNT công bố; quy định về kiểm tra, kiểm soát, giám sát tổng hợp tại các chương về khai thác, quản lý tàu cá và tăng cường năng lực thực thi cho lực lượng kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật có liên quan.
Bốn là, quy định việc xử lý đối với hành vi sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực…
Bộ giải đáp những băn khoăn
Trả lời câu hỏi: Việc phân cấp triệt để cho UBND tỉnh khi mà tàu cá đi khắp các miền, vậy cơ sở nào để đảm bảo hạn ngạch, không vượt số tàu, hay mức phạt 1 tỷ đồng được dựa trên cơ sở nào?, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết: thực ra phân cấp cho địa phương để quản lý, cấp phép, thông qua cấp hạn ngạch, cái này kế thừa Nghị định 33, khai thác phân theo vùng biển, có 3 tuyến (bờ, lộng). Giữa các tỉnh biên giới vùng biển. Khai thác thủy sản đã quy định từ vùng lộng trở vào quản lý khai thác giao cho địa phương. Điểm mới của Luật lần này là giao cho địa phương bảo vệ cả nguồn lợi thủy sản. Trên cơ sở điều tra nguồn lợi, các địa phương thông báo nguồn lợi, sản lượng, điều chỉnh khai thác. Vùng khơi trở ra sẽ do Trung ương quản lý, phân bổ khi đánh bắt xa bờ.
Về mức phạt 1 tỷ đồng, Thứ trưởng Tám cho rằng là căn cứ vào Luật xử phạt vi phạm hành chính, đây cũng là câu trả lời của Việt Nam đối với EU. EU cho rằng Việt Nam phải đưa chi tiết các mức xử phạt vào Luật này. Tuy nhiên, chúng ta chỉ đưa ra mức phạt cao nhất vào Luật, sau này còn thiếu sẽ bổ sung bằng nghị định của Chính phủ.
Lý do đến năm 2019 hiệu lực của Luật mới được thi hành, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, vì đây là luật chuyên ngành chi tiết, chứ không phải luật khung nữa. Chúng ta phải có thời gian để hoàn chỉnh nghị định, thông tư hướng dẫn.
Trần Mai