TP.HCM là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa mạnh nhưng thiếu vùng nguyên liệu, ĐBSCL có khả năng sản xuất lớn nhưng lại thiếu liên kết đầu ra. Nếu kết hợp tốt 2 thị trường này, một lượng lớn nông sản vùng ĐBSCL có được kênh phân phối tốt, ổn định.
 
Theo Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (STTS), đối với một thị trường có nguồn cầu lớn như An Giang và việc lưu thông hàng hóa luôn thông suốt, không bao giờ dừng lại, cho thấy, chính sách điều hành phát triển kinh tế, thương mại - dịch vụ của tỉnh rất tốt. “Tôi khẳng định, nhiều năm nay, ở An Giang không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, sốt giá ảo. Đầu quý IV hàng năm, Sở Công thương An Giang đã đưa ra kế hoạch bình ổn thị trường, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp (DN) vay vốn tham gia bình ổn. Tuy nhiên, phần lớn DN đều chủ động bình ổn như một cách để đứng vững trước một thị trường dày, rộng, thông suốt như An Giang”- ông Sơn nhấn mạnh.
 
Là một DN tổ chức phân phối hàng hóa không chỉ cho An Giang mà còn cho một số tỉnh ĐBSCL, liên kết bình ổn với DN ở TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc STTS cho rằng, những thông tin cập nhật của Sở Công thương An Giang giúp DN có góc nhìn rộng, dễ hoạch định chiến lược kinh doanh. “Đồng thời, sự hỗ trợ của Sở Công thương TP.HCM rất thiết thực, giúp chúng tôi kết nối với DN TP.HCM hiệu quả, đảm bảo bình ổn thị trường vào 2 thời điểm trọng tâm là Tết Nguyên đán và đầu năm học” - ông Sơn đánh giá.
 
Mở rộng kết nối
 
Không chỉ cá nhân từng DN, việc hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố ĐBSCL với TP.HCM những năm qua đã giúp công tác bình ổn thị trường đạt kết quả tốt. “Sở Công thương các tỉnh, thành phố ĐBSCL và Sở Công thương TP.HCM thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, diễn biến cung - cầu hàng hóa, đặc biệt là trong các ngày lễ, Tết. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm trong các hoạt động quản lý thương mại như: Quy hoạch và xây dựng hạ tầng thương mại, công tác quản lý khai thác chợ, xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm… Sở Công thương các tỉnh, thành phố ĐBSCL và TP.HCM còn phối hợp trao đổi thông tin về nhu cầu kết nối phân phối hàng hóa, góp phần mở rộng hệ thống phân phối và tiêu thụ hàng hóa tại các địa phương”- Giám đốc Sở Công thương An Giang Võ Nguyên Nam thông tin. Ông Nam cho biết thêm, việc duy trì trao đổi thông tin đã đem lại kết quả thiết thực và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý giá cả hàng hóa, quản lý Nhà nước của các tỉnh, thành phố, góp phần bình ổn thị trường và kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
 
Bên cạnh triển khai các chính sách khuyến khích DN tham gia bình ổn thị trường, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP.HCM còn thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng việc hỗ trợ xây dựng “Điểm bán hàng Việt” và tổ chức các phiên chợ hàng Việt, bán hàng lưu động. Giám đốc Sở Công thương An Giang Võ Nguyên Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, các địa phương đã hỗ trợ DN tổ chức 34 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và 47 đợt bán hàng lưu động về nông thôn, khu công nghiệp, biên giới, xã đảo với những mặt hàng bình ổn ưu tiên, tập trung vào các mặt hàng có nguồn gốc sản xuất trong nước với doanh thu trên 40 tỷ đồng. “Tôi nghĩ, cần thiết kế logo chung cho chương trình bình ổn thị trường của ĐBSCL. Khi hàng hóa tỉnh này có dấu hiệu khan hiếm, chúng ta có thể điều hàng từ tỉnh khác sang. Các xe tham gia bình ổn thị trường có gắn logo chung sẽ được ưu tiên nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, thông suốt”- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thái Ất đề xuất.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Thị Thu Trang, địa bàn thành phố có sức tiêu thụ hàng hóa rất mạnh khi số lượng siêu thị, trung tâm thương mại hiện nay đã tăng 400% so năm 2010. “Riêng lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường năm 2017 tăng 30 - 35% so năm 2016, đạt giá trị hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 5.700 tỷ đồng so năm 2016. Tuy nhiên, nguồn cung hàng hóa tại TP.HCM lại hạn chế. Các địa phương ĐBSCL cần dựa vào lợi thế của mình, quy hoạch vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL sẵn sàng ngồi lại với nhau, trao đổi hợp tác bất cứ lúc nào chứ không cần đến hội nghị giao ban. Chúng ta có thể hỗ trợ thủ tục cấp giấy chứng nhận nông sản an toàn cho nông dân, hợp tác xã, đồng thời hỗ trợ xây dựng mẫu mã, bao bì để tiêu thụ tốt hơn” - bà Trang nhấn mạnh.
 
“TP.HCM là thị trường rộng, có tác động lớn đến hệ thống phân phối và tiêu thụ hàng hóa các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Do vậy, các địa phương cần duy trì trao đổi thông tin, đẩy mạnh liên kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa nhằm ổn định thị trường, cung ứng cho người tiêu dùng hàng hóa phong phú, chất lượng”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhấn mạnh.
 
Theo Ngô Chuẩn (Báo An Giang)
.