Khai thác nước ngầm từ mỏ nước khoáng!?
Đầu tháng 7/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định số 1770/QĐ-UBND, cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất cho Công ty CP Du lịch Khoáng nóng Nha Trang Seafoods F 17 (Công ty DLKN F17), do ông Ngô Văn Ích làm Giám đốc, tại 01 giếng khoan ký hiệu ST1, thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Mục đích ghi trong giấy phép là cung cấp nước để sản xuất nước uống đóng chai.
Cũng theo giấy phép 1770/QĐ-UBND, tầng chứa nước khai thác thuộc đới khe nứt trong đá magma xâm nhập phức hệ Cà Ná, tổng lượng nước khai thác 370 m3/ngày đêm, chế độ khai thác 24/24. Thời hạn khai thác 5 năm, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2019.
Xin khai thác, sử dụng nước dưới đất, tuy nhiên các tài liệu và dự án của F17 liên quan đến lỗ khoan ST1 cũng như sản phẩm của doanh nghiệp sau này hầu như đều sử dụng cụm từ… nước khoáng. Một công bố chi tiết của Công ty CP Onsen (thành viên của hệ thống Nha Trang Seafoods F17 cũng do ông Ngô Văn Ích làm Giám đốc), cho biết (trích): năm 2013 Công ty DLKN F17 đã khoan 1 lỗ khoan thăm dò vào nơi có nước khoáng xuất lộ tự nhiên trên mặt đất (gần nơi có bể nước Bác sỹ Yersin xây dựng năm 1896) và cũng là nơi có đứt gãy phát triển trong các đá magma xâm nhập thuộc phức hệ Cà Ná. Lỗ khoan có chiều sâu trên 100 mét, gặp nước áp lực phun lên với mực nước dâng cao hơn mặt đất 2,6m; Lưu lượng tự chảy 4,29 l/s (tương đương 370 m3/ngày); Nhiệt độ nước 32,5 độ. Xác định nước đây là nước khoáng nên được đặt với cái tên thương mại là: Nước khoáng Onsen.
|
|
Cơ sở sản xuất nước khoáng tại mỏ của Công ty CP Onsen |
|
|
Cách đó chừng 200 m là lỗ khoan cung cấp nguồn nước cho sản xuất của nhà máy. |
Đầu năm 2013, Công ty DLKN F17 đã nộp đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu ONSEN, với nhóm sản phẩm gồm nước uống đóng chai, nước khoáng, mỹ phẩm làm từ nước khoáng,..
Tháng 11/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường “Nhà máy nước khoáng đóng chai” của Công ty DLKN F17 tại thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân.
Trước đó, vào giữa tháng 9/2015, tại thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, Cam Lâm, Công ty CP Onsen, đã khởi công Nhà máy nước khoáng đóng chai, công suất 200.000 chai, lon/ngày, vốn đầu tư 10 triệu USD. Nhà máy sử dụng nguồn nước của Công ty DLKN F17 tại lỗ khoan ST1, Dầu Sơn- Suối Tân.
Khai thác nước khoáng trái phép!?
Tháng 7/2014 Công ty DLKN F17 được UBND tỉnh cấp phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, mục đích để sản xuất nước uống đóng chai. Tuy vậy, trước đó, trong quá trình khảo sát, F17 đã xác định nguồn nước mà doanh nghiệp này nhắm đến khai thác là nước khoáng, cụ thể hơn đây là nước khoáng silic.
Theo Sở Tài nguyên& Môi trường (TN&MT) tỉnh Khánh Hòa, cấp phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, đến nay, Công ty DLKN F17 chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản (nước khoáng) tại lỗ khoan ST1. Để được cấp phép, Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phải thực hiện thủ tục định đánh giá, thẩm định, ra quyết định công nhận nguồn nước là nước khoáng. Hiện nay, Công ty DLKN F17 mới đang làm hồ sơ.
|
|
Sản phẩm nước khoáng thiên nhiên sản xuất từ Giấy phép "Khai thác, sử dụng nước dưới đất". |
|
|
Sản phầm nước khoáng thiên nhiên Onsen cung cấp ra thị trường. |
Trong hồ sơ này, Bộ TN&MT cũng yêu cầu đánh giá mối quan hệ thủy lực giữa hai lỗ khoan gần nhau về mặt địa lý, là lỗ khoan ST1 của Công ty DLKN F17 và lỗ khoan DS2 của một đơn vị khác đang khai thác.
Ngày 7/8/2018, sau khi kiểm tra hoạt động khoáng sản tại xã Suối Tân, Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) đã yêu cầu Công ty DLKN F17 dừng hoạt động khai thác nước nóng tại lỗ khoan ST1, khẩn trương làm các thủ tục để được cơ quan thẩm quyền cấp phép theo quy định.
Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam đồng thời đề nghị tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý Công ty CP Onsen về hành vi mua bán hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp.
Ngày 15/8, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản yêu cầu Công ty DLKN F17 dừng mọi hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng nước nóng tại lỗ khoan ST1; đồng thời yêu cầu các sở, ngành hữu quan kiểm tra, xác minh làm rõ các vấn đề lien quan đến nội dung ghi nhãn sản phẩm, mua bán hàng hóa không có nguồn gốc, xử lý sai phạm theo thẩm quyền và báo cáo UBND tỉnh.
Về vấn đề hợp pháp của sản phẩm nước khoáng của Công ty CP Onsen, theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, tháng 6/2016, sau khi xem xét hồ sơ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) - Sở Y tế đã cấp Giấy tiếp nhận bảng công bố hợp quy cho sản phẩm nước khoáng đóng chai của Công ty CP Onsen. Kết quả kiểm tra, lấy mẫu ngẫu nhiên, đột xuất để xét nghiệm theo thủ tục hậu kiểm sau đó, cho thấy sản phẩm Onsen phù hợp, tương thích với mẫu sản phẩm “nước khoáng đóng chai” mà doanh nghiệp đã công bố.
Ông Lê Tấn Phùng- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, các văn bản pháp luật không quy định việc cơ sở sản xuất phải xuất trình giấy phép khai thác khoáng sản cho ngành Y tế khi xem xét sản phẩm có hợp quy hay không. “Trên cơ sở Nghị định 38/NĐ-CP, Thông tư 19/2012/TT-BYT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai QCVN 6-1:2010/BYT, ngành Y tế chỉ xác nhận sản phẩm có an toàn vệ sinh thực phẩm hay không theo hồ sơ công bố hợp quy của sản phẩm và chịu trách nhiệm về sản phẩm cuối cùng”- Ông Phùng nói.
Rút giấy phép vẫn khai thác?
Cuối tháng 11/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất tại lỗ khoan ST1, thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, Cam Lâm. Quyết định nêu rõ, Công ty DLKN F17 có trách nhiệm chấm dứt hoạt động khai thác nước dưới đất liên quan đến giấy phép 1775/QĐ-UBND.
Tuy vậy, sau khi bị rút giấy phép tại lỗ khoan ST1, dường như hoạt động khai thác nước khoáng tại ST1 vẫn diễn ra; và Công ty CP Onsen, đơn vị sử dụng nguồn nước tại lỗ khoan này, dường như vẫn sản xuất các sản phẩm nước khoáng bình thường!?. Khách hàng của Onsen vẫn được cung cấp “nước khoáng thiên nhiên” đều đặn. Trên sản phẩm nước khoáng đóng chai của Onsen cung cấp cho thị trường hiện nay, thể hiện những sản phẩm sản xuất thời điểm tháng 8/2018.
|
|
Cuối tháng 11/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa rút giấy phép khai thác, sử dụng nước tại lỗ khoan ST1, nơi cung cấp nguồn nước cho Onsen. Tuy vậy, Onsen vẫn có sản phẩm "nước khoáng thiên nhiên" sản xuất tháng 8/2017. |
Tại hiện trường, khu vực lỗ khoan ST1 (nằm cách nhà máy nước khoáng Onsen chỉ khoảng 200 m) đã được xây bao kín. Theo người dân địa phương, nguồn nước dẫn từ lỗ khoan đến nhà máy thông qua hệ thống ống nước chôn ngầm. Do vậy, việc doanh nghiệp còn khai thác, sử dụng nguồn nước này hay không, không thể biết. Tuy vậy, từ nửa đầu tháng 8 trở về trước, các xe vận chuyển nước khoáng thành phẩm của Onsen vẫn vận hành từ nhà máy(!?).
Đến ngày 13/8/2018, Công ty CP Onsen có thông báo, từ ngày 14/8, toàn thể công nhân đang làm việc tại Nhà máy Cam Lâm tạm nghỉ.
Cùng trong ngày 13/8/2018, Công ty CP Onsen ký hợp đồng mua nước máy của Nhà máy Nước Suối Dầu (Công ty CP Đầu tư Xây dựng cấp thoát nước Suối Dầu). Đến ngày 23/8, Nhà máy nước Suối Dầu chính thức đóng van cung cấp nước máy cho Onsen.
|
|
Đến 13/8, Onsen thông báo tạm ngưng sản xuất tại Nhà máy Cam Lâm. |
|
|
Cùng trong ngày 13/8, Onsen ký hợp đồng mua nước máy vào mục đích thương mại của Nhà máy nước Suối Dầu. |
|
|
Với kích cỡ đường ống và đồng hồ, lượng nước máy cung cấp cho Onsen vào khoảng 100 m3/ngày đêm. |
Với đường ống 100 mm và đồng hồ 50 mm, đơn vị cấp nước cho biết, khối lượng nước cung cấp cho Onsen vào khoảng 100 m3/ngày đêm. Nước được sử dụng vào mục đích thương mại, để sản xuất nước uống đóng chai.
Nhóm PV