Khai thác lộ thiên

Chưa bao giờ vấn đề quản lý, xử lý vi phạm trong việc khai thác cát, nhất là khai thác cát trái phép trở nên “nóng” như thời gian vừa qua. Tình trạng khai thác cát trái phép ở nhiều địa phương đã và đang trở thành một vấn nạn với những hệ lụy khó lường, gây thất thoát tài nguyên, sạt lở đất, mất an ninh trật tự, cuộc sống của hàng loạt người dân bị đảo lộn.

Theo chân một người dân địa phương, tìm đường vào “điểm nóng” khai thác cát trái phép trên sông Tha La. Một điều làm chúng tôi khá ngạc nhiên là việc khai thác cát “lậu” ở đây diễn ra công khai như chốn không người. Cụ thể, trên tuyến đường ĐT 795 có hai điểm khai thác cát đang hoạt động liền kề nhau. Mặc dù, lúc này đã hơn 10 giờ trưa, nhưng tại điểm khai thác “lậu”, máy móc vẫn đang gầm rú múc cát lên những chiếc xe ben tải đang chờ sẵn. Người đi cùng chúng tôi cho biết: “Mấy ông ấy có sợ ai đâu mà làm lén lút. Trước đây, họ hút lén vào ban đêm nhưng nay thì hoạt động suốt ngày đêm”.

Theo quan sát, để thuận tiện cho việc khai thác cát, chủ bãi này đã dẫn nước vào một phần đất của mình được đào sẵn, một chiếc bè được trang bị máy hút “vòi rồng” thả nổi trên mặt hồ và đang hoạt động hết công suất. Với thiết kế khá tinh vi, ống xả của máy hút cát nằm sát mép nước nên dù tiếp cận sát khu vực này, chúng tôi vẫn chỉ nghe tiếng máy nổ rất nhỏ. Những mẻ cát vàng được hút lên rồi chuyển sang một số bãi chứa bên cạnh, nếu không quan sát kỹ rất khó nhận ra đây là điểm hút cát “lậu”.

Điều đáng lo ngại hiện nay là vẫn có sự tiếp tay của một số đối tượng móc nối với các chủ ghe để khai thác “chui”. Đồng thời, xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh về lợi ích kinh tế giữa các đối tượng khai thác cát trái phép với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác. 

Đập thủy lợi Tha La có diện tích hơn 300 ha, thuộc thượng nguồn hồ Dầu Tiếng. “Gần 2 năm nay, nguồn nước bị ô nhiễm, lục bình phát triển mạnh trên mặt hồ, phủ kín xung quanh hồ, lượng thủy hải sản giảm đáng kể. Dòng chảy đập Tha La có nhiệm vụ cung ứng nước tưới cho nông nghiệp vùng lòng chảo huyện Tân Châu (Tây Ninh) hiện ngày càng bị biến dạng nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát, sỏi gây nên. Xung quanh những “bãi chiến trường” khai thác cát là những ụ cát khổng lồ, cùng vô số hàm ếch lớn khoét sâu, sạt lở vào những diện tích đất màu của người dân. Đất sạt lở, thay đổi dòng chảy khiến con nước xung quanh đập vốn hiền hòa nay trở nên vô cùng hung dữ mỗi khi mùa mưa đến. Tiềm ẩn sau đó là nguy cơ lũ quét đối với nhà cửa và cây trồng của những hộ dân sinh sống hai bên bờ”, một hộ dân nơi đây cho biết.

leftcenterrightdel
Dọc sông Tha La có hàng chục điểm khai thác cát “lậu” mọc lên. Ảnh: N.P 

Buông lỏng quản lý

Nguy cơ hiện hữu là vậy, nhưng dường như không mấy ai quan tâm, thậm chí còn có thông tin đáng quan ngại về việc người dân bán đất cho doanh nghiệp vì tình trạng sạt lở kéo dài, nhưng không một ai đứng ra can thiệp.
Ông K (ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh) tiết lộ: Tôi có gần một mẫu đất nông nghiệp nằm cạnh sông Tha La nhưng không có sổ, các ghe thuyền hút cát “lậu” ngày đêm khiến đất bị sạt lở không thể canh tác được. Tôi nhiều lần trình báo chính quyền địa phương nhưng vẫn không được giải quyết, không còn cách nào khác, tôi đành bán rẻ thửa đất cho người khác”? 

Theo ghi nhận của Phóng viên, một khối cát “lậu” được bán dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng/m3, trong khi đó các doanh nghiệp được cấp phép phải chịu thuế, phí bến bãi, phí môi trường… nên phải bán với giá 200.000 đồng/m3 mới có lãi, gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh. Ghi nhận thực tế, dọc con sông Tha La có hàng chục điểm khai thác cát mọc lên. Thế nhưng, chỉ có vài doanh nghiệp được Sở TN-MT Tây Ninh cấp phép khai thác khoáng sản (cát).

Sự bất lực, luẩn quẩn trong vấn đề quản lý tài nguyên khoáng sản của chính quyền, ngành chức năng tỉnh Tây Ninh đang khiến tình trạng khai thác cát “chui” trên địa bàn tỉnh trở nên phức tạp và “nóng” hơn bao giờ hết. Còn bức tranh thực toàn cảnh về dòng sông Tha La trong lòng hồ Dầu Tiếng thì đang hiện hữu hình ảnh là những “hố tử thần” nuốt trọn những cánh đồng ngô, hoa màu trù phú của người dân. Cùng đó là những thiệt hại về nhà cửa, đe dọa tính mạng người dân mỗi khi mùa mưa lũ về.

Trước những diễn biến phức tạp trên, đòi hỏi cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý hiệu quả hơn. Nếu không được ngăn chặn triệt để chắc chắn tình trạng khai thác cát trái phép sẽ dẫn tới hậu quả đối với môi trường sinh thái rất lớn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh Tây Ninh hiện đang quyết liệt xử lý, không để “cát tặc” lộng hành trên khu vực hồ Dầu Tiếng. Tới đây, sẽ kiểm tra rà soát lại những đơn vị được cấp phép hoạt động có đúng quy trình hay không? Nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Chúng tôi đã đề nghị Công an tỉnh vào cuộc vì hồ Dầu Tiếng liên quan đến an ninh quốc gia và đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT chủ trì xây dựng quy chế, xử lý những hoạt động có liên quan đến việc khai thác khoáng sản. Nếu có lợi ích nhóm hoặc bảo kê cho “cát tặc” lộng hành sẽ bị xử lý nghiêm.

Nam Phong