Liên tiếp từ cuối tháng 5 đến nay, nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã tìm đến các địa phương Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư vào nông nghiệp.
|
Nông nghiệp là lĩnh vực mà Việt Nam từ lâu đã trải thảm đỏ song lại chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam (cả cấp mới và tăng vốn) đạt 6,85 tỷ USD, bằng 64,7% so với cùng kỳ năm 2013. Về vốn thực hiện, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,75 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Những con số “biểu cảm”
Báo cáo của cơ quan này cho thấy, tính đến ngày 20/6, cả nước có 656 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,85 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2013; có 219 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,99 tỷ USD, bằng 37% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước cũng đối mặt không ít khó khăn, những số liệu nêu trên cũng có thể coi là những con số đáng mừng. Đó là chưa kể Magnum Group - tập đoàn hàng đầu của Dubai đang lên kế hoạch xây dựng một khu du lịch biển đẳng cấp thế giới tại khu vực núi Trường Lệ (Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Hiện dự án vẫn đang trong quá trình quy hoạch, tuy nhiên theo dự kiến, quy mô dự án ít nhất cũng hơn 100ha.
Hay Tập đoàn Nakheel (Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất - UAE) sẽ xúc tiến việc triển khai đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Hạ Long Star (tỉnh Quảng Ninh). Nakheel là chủ đầu tư nhiều dự án hàng đầu ở Dubai, trong đó có dự án bất động sản nổi tiếng thế giới là Palm Jumerah Island (Đảo Cây Cọ), một nhóm đảo trải dài trên gần 20km2, nằm trong dự án xây dựng đảo nhân tạo lớn nhất thế giới...
Về lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 326 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng năm 2014. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ hai với 58 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 465,4 triệu USD, chiếm 6,8%.
Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 16 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 692,3 triệu USD, chiếm 10,1%. Tiếp theo là lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 258,9 triệu USD.
Tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,55 tỷ USD, Hồng Kông đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD, Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 806 triệu USD,...
Xét theo địa phương, dẫn đầu về đầu tư nước ngoài là TP.Hồ Chí Minh với 886,3 triệu USD vốn đăng ký mới và tăng thêm; tỉnh Bình Dương đứng thứ 2 với 876,05 triệu USD; Đồng Nai đứng thứ 3 với 688,37 triệu USD...
Nông nghiệp bắt đầu “đắt hàng”
Đáng chú ý, vừa qua có hai nhà đầu tư Nhật Bản (Always và Veggy) đã đến tỉnh Vĩnh Phúc để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam từ lâu đã “trải thảm đỏ” song lại chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế.
Tại cuộc gặp các lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, hai nhà đầu tư này chia sẻ, họ muốn phát triển một dự án chuyên cung cấp rau sạch cho hệ thống nhà hàng Nhật Bản tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên khoảng 1 triệu USD. Giai đoạn II, nhà đầu tư sẽ mở rộng quy mô từ 5-10ha của giai đoạn I lên 50ha, để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trước đó, một số nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã tìm đến tỉnh Bình Định để tìm kiếm cơ hội để phát triển lĩnh vực đánh bắt, chế biến cá ngừ. Và mới đây, một đoàn doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của Việt Nam, nơi có nhiều tiềm năng trong phát triển các mặt hàng nông, thủy sản như trái cây, tôm, cá… để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều hành Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.Hồ Chí Minh thông tin: “Các công ty Nhật đang thận trọng tiếp cận để tiến tới hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam và tôi hy vọng rằng họ sẽ xây dựng và phát triển được những mối quan hệ kinh doanh tốt với các đối tác Việt Nam trong thời gian tới”.
Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng vì ngay mới đây, tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014, TS.Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) còn bày tỏ quan điểm: “Các DN FDI chủ yếu tập trung vào hoạt động gia công, lắp ráp; nguyên vật liệu chủ yếu nhập từ nước ngoài nên giá trị gia tăng chưa cao, điển hình là các hoạt động lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử và may mặc... Trong khi Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp thì tỷ trọng vốn đầu tư của các DN FDI vào sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản lại có xu hướng giảm, năm 2000 FDI đổ vào nông nghiệp chiếm 0,6% thì tới năm 2013, nguồn vốn đổ vào ngành này giảm xuống còn 0,3%”.
Theo PLO