Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết chương trình tạm trữ hè thu sắp tới nhiều doanh nghiệp sẽ miễn cưỡng tham gia sau khi bị lỗ trong chương trình tạm trữ vụ đông xuân vừa qua.

 


Doanh nghiệp bị “ép” mua tạm trữ

Tại cuộc họp báo do VFA tổ chức ngày 4-6 tại TPHCM, ông Phong nói phương án tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu mặc dù chưa có văn bản đồng ý của Thủ tướng nhưng cũng đã cơ bản được thông qua và hiệp hội được giao mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu 2013. Thời gian mua vào là từ ngày 15-6 đến 31-7. Doanh nghiệp tham gia sẽ được hỗ trợ lãi suất 3 tháng.

Mặc dù Bộ Tài chính đã công bố giá thành bình quân sản xuất lúa vụ hè thu ở khu vực ĐBSCL là 4.142 đồng/kg, quy ra giá lúa định hướng là 5.383 đồng/kg, nhưng giá mua cụ thể đối với vụ hè thu vẫn chưa được Chính phủ công bố.

Ông Lê Trường Sơn, Tổng giám đốc Công ty Docimexco, Đồng Tháp, cho hay đến nay Đồng Tháp đã thu hoạch 45% diện tích lúa vụ hè thu. Tuy nhiên, chất lượng gạo vụ hè thu năm nay kém hơn năm ngoái do diễn biến thời tiết không thuận lợi, nắng nóng và thiếu nước. Thị trường xuất khẩu khó khăn nên đã kéo giá lúa gạo trong tháng 5, đầu vụ hè thu xuống thấp.

Ông Phong cho hay, khách hàng, đặc biệt là khách hàng Trung Quốc - thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay - đang tìm mua lúa đông xuân vì chất lượng tốt. Họ chấp nhận mua với giá cao chứ không muốn mua lúa hè thu vì chất lượng thấp hơn. Do vậy nhiều doanh nghiệp còn gạo vụ đông xuân đang đấu trộn gạo hè thu và đông xuân với nhau và bán cho khách hàng.

Theo thông tin VFA, giá thu mua bình quân của hai loại lúa phổ biến là hạt dài và hạt thường lần lượt là 5.289 đồng/kg và 5.043 đồng/kg, thấp hơn giá mua lúa định hướng Bộ Tài chính công bố ở trên. Còn trên thị trường xuất khẩu, giá gạo chất lượng cao 5% tấm của Việt Nam đang chào ở mức 370- 380 đô la Mỹ/tấn, tiếp tục giữ vị trí thấp hơn so với giá chào của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan.

Cũng theo ông Phong, nếu doanh nghiệp mua gạo nguyên liệu và bán ra với giá chào như vậy vẫn bị lỗ.

Theo báo cáo của VFA cho Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trong cuộc họp về kế hoạch tạm trữ vụ hè thu cuối tháng 5 vừa qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo tham gia tạm trữ lỗ từ 30- 40 đô la Mỹ/tấn gạo.

“Chỉ thị của Chính phủ là cố gắng làm sao để nông dân không bị thiệt hại nhưng chúng tôi cũng ở thế khó là phải ép các doanh nghiệp vì nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ vụ đông xuân vừa qua, cộng thêm thị trường xuất khẩu đang xấu nên họ cũng không muốn tham gia tạm trữ tiếp”, ông nói.

Giảm giá sàn gạo xuất khẩu

Phương án mua tạm trữ đã có, nhưng theo ông Phong, vấn đề quan trọng nhất là phải giải quyết đầu ra, có như vậy mới tiêu thụ được vụ hè thu. Ngày 3-6, VFA đã điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo. Cụ thể giá sàn đối với gạo 35% tấm trước đây 365 đô la Mỹ/tấn, nay giảm còn 360 đô la Mỹ/tấn. Giá sàn với gạo 25% tấm là 360 đô la Mỹ/tấn.

Hai thị trường trọng điểm của gạo Việt Nam là Trung Quốc và châu Phi được kỳ vọng sẽ tăng nhập khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là Trung Quốc khi lúa gạo ở tỉnh Hồ Nam, vùng cung cấp chính cho khu vực phía Nam của nước này bị nhiễm độc chất Cadmium. Giá gạo Việt Nam ở mức thấp cũng là một yếu tố thu hút các thương nhân này.

Các nước khu vực châu Phi hàng năm nhập khẩu từ 6- 6,5 triệu tấn gạo. Mặc dù các nước có thông tin đang tồn kho nhưng trước dấu hiệu tăng nhập khẩu trong thời gian gần đây, thị trường này cũng trở nên nhiều tiềm năng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống nhập khẩu gạo của Việt Nam cũng được VFA dự báo sẽ mở cửa nhập khẩu trở lại trong thời gian tới.

“Từ tháng 7 trở đi thị trường sẽ khởi sắc hơn”, ông Phong nói.

Theo VFA, tính đến tháng 6 năm 2013, doanh nghiệp mua vào 4,49 triệu tấn gạo, bao gồm 780.000 tấn gạo từ năm 2012 chuyển qua năm 2013. Sáu tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 3,35 triệu tấn gạo, giảm so với dự kiến.

Trong năm 2013, Việt Nam dự kiến xuất khẩu từ 7 đến 7,5 triệu tấn gạo, thấp hơn khoảng 200.000 tấn so với con số của năm 2012.


Theo Thái Hằng
TBKTSG

.