Thời gian gần đây, giới kinh doanh đồ chơi trẻ em đã ồ ạt đưa ra thị trường nhiều đồ chơi bạo lực như súng, đao, kiếm… Hậu quả đã có không ít trẻ em phải mù mắt, bị thương nặng khi chơi loại đồ chơi này.

 


Nhiều phụ huynh không lường được những tác hại gây ra khi mua đồ chơi bạo lực cho con em chơi. Chị Nguyễn Thị Anh (ở đường Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM) cho biết: “Người chú mua súng đồ chơi bằng pin phát ra tiếng nhạc tặng sinh nhật cháu. Ai ngờ, khi con của chị mang ra chơi cùng với bạn thì đó lại là khẩu súng có thể bắn ra đạn bi. Do vô tình, con của chị đã gạt chốt lên và đạn bắn vào người bạn. Rất may, bạn cháu chỉ bị thương sây sát ngoài da”. Dùng súng bắn đạn bi đùa nghịch với nhau như vậy nhiều trẻ đã phải nhập viện với thương tích nặng. Ngày 7-5, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM đã tiếp nhận một bệnh nhi được chuyển đến từ tỉnh An Giang bị đạn của súng đồ chơi bắn vào đầu.

Trên thị trường, đồ chơi bạo lực xuất xứ từ Trung Quốc có giá bình dân và đa dạng về mẫu mã nhưng chất lượng sản phẩm lại không đạt tiêu chuẩn an toàn. Nếu như những năm trước đây, các bậc cha mẹ e dè đối với các loại đồ chơi được làm bằng nhựa cứng... thì năm nay, nỗi lo ngại của họ lại là loại đồ chơi thú nhún bằng cao su có chứa chất phthalate độc hại.

Theo kết quả phân tích của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH-CN) công bố gần đây, các mẫu thú nhún được kiểm tra trên thị trường đều chứa chất phthalate với hàm lượng cao, có nguy cơ gây vô sinh ở trẻ trai, dậy thì sớm ở trẻ gái. Trong đó, một số mẫu chứa chất phthalate cao gấp 5 - 9 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Quan tâm hơn về tiêu chuẩn an toàn

Theo quy định trong danh mục hàng hóa cấm kinh doanh buôn bán trên thị trường, đồ chơi mô phỏng các loại vũ khí như súng, kiếm... đều không được bán, vì nó kích thích tính bạo lực và có thể gây nguy hiểm cho trẻ em. Ngoài ra, đồ chơi ngoại dành cho trẻ em dưới 3 tuổi, muốn nhập khẩu phải qua quy trình kiểm tra độc tố, kim loại nặng, mức độ ô nhiễm, mức độ an toàn… Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các cửa hàng đang bày bán các loại sản phẩm đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc đều không có chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn cho trẻ em.

Bộ KH-CN vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo triển khai thanh tra về tiêu chuẩn, chất lượng và sở hữu công nghiệp đối với đồ chơi trẻ em nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với đồ chơi trẻ em.

Tại nhiều cuộc hội thảo liên quan đến đồ chơi trẻ em, các chuyên gia đều khẳng định: Về công nghệ, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng sản xuất đồ chơi an toàn, đạt tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, để đồ chơi trẻ em Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với đồ chơi Trung Quốc cần có chiến lược phát triển đồng bộ, kiên quyết chống hàng nhập lậu.

Bên cạnh đó, các phụ huynh cần ý thức lựa chọn kỹ đồ chơi an toàn và phù hợp với độ tuổi của trẻ. Nên chọn những đồ chơi mang tính trí tuệ, có nguồn gốc xuất xứ, an toàn để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
 

Theo Hải Thanh - Bình Quang
SGGP

.